6 chiếc mũ tư duy là gì? Ví dụ cụ thể ứng dụng 6 chiếc mũ tư duy
Theo dõi GOBRANDING trênTrong mỗi chúng ta đều có những năng lực tuy duy sáng tạo riêng để giải quyết vấn đề, tuy nhiên không phải lúc nào cần thì đều có thể khơi gợi được những ý tưởng tốt, vì vậy sự ra đời của mô hình 6 chiếc mũ tư duy chính là cứu tinh giúp ta có thể xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh toàn diện hơn. Vậy phương pháp 6 chiếc mũ tư duy là gì, lợi ích của việc ứng dụng nó ra sao, tiến hành kỹ thuật này như thế nào và ví dụ minh họa cụ thể, tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết này của GOBRANDING.
Nội dung chính
1. 6 chiếc mũ tư duy là gì?
6 chiếc mũ tư duy là một phương pháp được Tiến sĩ tâm lý và y khoa – Edward de Bono sáng tạo ra. Năm 1985, ông đã cho ra đời thêm cuốn sách về phương pháp 6 chiếc mũ tư duy này với tự đề “Six Thinking Hats” và đã được chuyển thể sang tiếng Việt.
Tư duy 6 chiếc mũ là một phương pháp tư duy với ý tưởng cốt lõi là khuyến khích sự sáng tạo và khám phá những ý tưởng mới nhớ vào việc nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Màu sắc khác nhau trên sáu chiếc mũ tư duy sẽ thể hiện những quan điểm khác nhau đối với 1 vấn đề. Trong đó:
- Mũ màu trắng – tư duy khách quan
- Mũ màu đỏ – tư duy cảm xúc
- Mũ màu xanh dương – tư duy tổ chức
- Mũ màu xanh lá – tư duy sáng tạo
- Mũ màu vàng – tư duy tích cực
- Mũ màu đen – tư duy mạo hiểm
2. Lợi ích của việc ứng dụng 6 chiếc mũ tư duy là gì?
Như đã đề cập ở trên khi áp dụng mô hình 6 mũ tư duy, bạn sẽ có thể nhìn nhận 1 vấn đề dưới rất nhiều góc độ khác nhau thông qua việc kết hợp đa dạng các kỹ năng tư duy khách quan, cảm xúc, sáng tạo, nhạy bén, khả năng lập kế hoạch dự phòng tốt trong việc ra quyết định và hoạch định. Nhờ vậy, bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn mọi ngóc ngách của một vấn đề, từ việc phân tích sẽ dễ dàng nhận diện được những cơ hội và thách thức mà có thể bạn sẽ không để ý.
Thêm vào đó, với một số vấn đề phức tạp cần có sự tham gia thảo luận của một đội nhóm để cho ra nhiều ý kiến đa dạng hơn sẽ còn giúp tăng năng suất làm việc. Đặc biệt là có thể tránh được những xung đột lớn trong khi nhiều người tranh luận về một vấn đề vì mọi người có thể thoải mái tư duy dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Cho đến ngày nay, kỹ thuật 6 chiếc mũ tư duy này đã được ứng dụng vào giảng dạy ở rất nhiều nơi trên thế giới, đồng thời trong kinh doanh, phương pháp này cũng được rất nhiều tổ chức lớn lựa chọn như Pepsi, Express, IBM, Polaroid,…
3. Đặc điểm của 6 chiếc mũ tư duy
3.1. Mũ màu trắng – Facts
Mũ màu trắng là đại diện cho tư duy về mặt thông tin, dữ liệu. Người có tư duy mũ trắng sẽ thường đưa ra các phát biểu cụ thể dựa trên việc phân tích dữ liệu thực tế, khách quan từ những dữ kiện có sẵn.
Một số vấn đề có thể được đặt ra để giải quyết đó là:
- Bạn đã có sẵn thông tin gì về vấn đề cần giải quyết?
- Cần phải có thêm những thông tin nào liên quan đến vấn đề nữa?
- Những thông tin, dữ kiện nào bị thiếu?
3.2. Mũ màu đỏ – Feelings
Mũ màu đỏ đại diện cho tư duy thiên về mặt cảm tính, họ sẽ phát biểu dựa trên trực giác và cảm xúc mà không cần đưa ra minh chứng hay giải thích, lí lẽ của mình về vấn đề đang giải quyết.
Một số câu hỏi được đặt ra để hỗ trợ người đội mũ màu đỏ tư duy đó là:
- Cảm xúc hiện tại của bạn đối với vấn đề là gì?
- Trực giác mách bảo bạn điều gì về vấn đề này?
- Bạn có thích vấn đề này hay không?
3.3. Mũ màu xanh lá – Creativity
Mũ màu xanh là đại diện cho tư duy sáng tạo. Màu xanh lá thể hiện một sức sống mãnh liệt không ngừng sinh sôi, phát triển cũng giống như người đội mũ màu xanh lá sẽ luôn có những ý tưởng sáng tạo phong phú, dồi dào. Nhờ đó có thể giúp những người tư duy theo mũ xanh lá dễ dàng tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.
Một số câu hỏi có thể sử dụng để giải quyết vấn đề:
- Liệu vấn đề này có thêm những cách thức nào khác để giải quyết không?
- Vấn đề này có những điểm tích cực nào?
- Tiến hành dự án này sẽ mang đến những lợi ích là gì?
3.4. Mũ màu vàng – Positive
Mũ màu vàng đại diện cho những tư duy vấn đề theo chiều hướng tích cực. Những người đội mũ màu vàng sẽ đưa ra các ý kiến logic và lạc quan về vấn đề thông qua việc chỉ ra những lợi ích mà việc ứng dụng nó mang lại và mức độ khả thi của dự án. Cách tư duy này sẽ giúp bạn có thêm động lực để tiếp tục đề ra những giải pháp mới mẻ cho công việc khi bạn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Một số câu hỏi có thể sử dụng để hỗ trợ giải quyết vấn đề đối với mũ màu vàng:
- Những lợi ích khi tiến hành dự án này là gì?
- Những mặt tích cực của vấn đề?
- Tính khả thi để thực hiện?
3.5. Mũ màu đen – Negative
Trái ngược với mũ màu vàng, người đội mũ màu đen thường có tư duy sâu sắc hơn giúp nhìn nhận ra những mặt hạn chế và sự bất hợp lý ở trong dự án cần giải quyết. Chính điều này sẽ giúp chúng ta có những quan điểm mới giúp nhìn nhận vấn đề một cách thận trọng hơn, đảm bảo cho dự án tránh khỏi các rủi ro, sự cố, điều chỉnh cách giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho những vấn đề có thể nảy sinh ngoài dự kiến.
Nếu chỉ tư duy vấn đề theo hướng tích cực thì sẽ khiến cho khi những sự cố phát sinh bạn sẽ trở tay không kịp. Vì thế việc tư duy cả 2 mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề giúp chuẩn bị tốt hơn để ngay cả trong tình huống xấu nhất vẫn có những phương án để đề phòng.
Những câu hỏi có thể ứng dụng để giải quyết vấn đề đối với mũ màu đen:
- Có những tình huống rủi ro nào có thể xảy ra
- Nguy cơ tiềm ẩn của vấn đề này là gì?
- Khi triển khai dự án này có thể sẽ gặp phải những khó khăn gì?
3.6. Mũ màu xanh dương – Control
Mũ màu xanh dương đại diện cho lối tư duy tổ chức, giúp hệ thống vấn đề một cách bao quát nhất. Như một thuyền trưởng, người đội chiếc mũ màu xanh dương sẽ tổ chức, điều phối và kiểm soát tiến trình tư duy của những chiếc mũ khác.
Chẳng hạn như nếu gặp phải khó khăn trong quá trình thảo luận thì người đội mũ màu xanh dương có thể điều hướng tư duy của mọi người sang mũ xanh lá cây để có những ý tưởng sáng tạo hơn.
Một số câu hỏi có thể sử dụng để tư duy theo mũ màu xanh dương:
- Vấn đề trọng tâm của buổi thảo luận là gì?
- Vấn đề cần tư duy là gì?
- Mục tiêu cuối cùng là gì?
4. Tiến hành phương pháp 6 chiếc mũ tư duy như thế nào?
Phương pháp 6 chiếc nón tư duy thường được ứng dụng cho một nhóm hay cá nhân để có thể giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Khi được ứng dụng trong một nhóm làm việc thì người trưởng nhóm sẽ chịu trách nhiệm phân chia thời gian để nêu ra quan điểm của từng người đội mũ màu tương ứng.
Dưới đây là 5 bước cơ bản để tiến hành áp dụng kỹ thuật 6 cái mũ tư duy ứng với từng màu mũ khác nhau.
Bước 1: Mũ màu trắng: nêu lên tất cả những ý kiến nói về những thông tin, sự kiện có thật thông qua những bằng chứng và dữ kiện cụ thể.
Bước 2: Mũ màu xanh lá cây: nêu lên những ý kiến sáng tạo bằng nhiều cách thức khác nhau để đề xuất phương án giải quyết vấn đề.
Bước 3: Đánh giá các ý kiến của mũ màu xanh lá cây bằng quan điểm của mũ màu vàng và mũ màu đen.
- Mũ màu vàng: giúp đề xuất hướng giải quyết vấn đề theo một hướng tích cực thông qua việc trả lời câu hỏi những giải pháp nêu trên mang đến lợi ích gì và nếu được thực hiện nó sẽ mang lại hiệu quả ra sao.
- Mũ màu đen giúp viết các đánh giá và chỉ ra những kiến nghị, giải pháp không phù hợp cho việc giải quyết vấn đề và những mặt hạn chế của việc sử dụng những ý kiến này dựa trên những sự kiện và kinh nghiệm sẵn có.
Bước 4: Mũ màu đỏ: nêu lên những quan điểm thiên về cảm xúc, trực giác về vấn đề. Tư duy bằng mũ đỏ cho phép người suy nghĩ đặt xuống các trực cảm mà không cần bào chữa.
Bước 5: Sử dụng mũ màu xanh dương để tổng kết và kết thúc buổi làm việc thông qua việc nhìn nhận lại các bước đã thực hiện trên. Từ đó nêu ra kết luận về hướng giải quyết của vấn đề.
Lưu ý: Trong một số trường hợp, các bước trên có thể được linh hoạt thay đổi thứ tự cho phù hợp với tính chất của dự án, chẳng hạn như theo quy trình như sau:
Bước 1: Mũ màu trắng -> Bước 2: Mũ màu đỏ -> Bước 3: Mũ màu đen -> Bước 4: Mũ màu vàng -> Bước 5: Mũ màu xanh lá cây -> Bước 6: Mũ màu xanh da trời.
5. Ưu nhược điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Bất kỳ phương pháp nào khi được ứng dụng cũng đều mang đến những mặt lợi và hại khác nhau. Cùng tìm hiểu những ưu, nhược điểm của việc ứng dụng phương pháp 6 mũ tư duy dưới đây.
5.1. Ưu điểm
Tránh xảy ra xung đột trong quá trình thảo luận nhóm vì mỗi người có thể đưa ra quan điểm của riêng mình theo nhiều lối tư duy khác nhau. Qua đó cũng giúp cho vấn đề được nhìn nhận bằng đa dạng góc nhìn để đưa ra kết luận bao quát được toàn diện nhất.
Thêm vào đó, việc được thoải mái đưa ra những quan điểm theo nhiều góc nhìn khác nhau khi sử dụng phương pháp sáu chiếc mũ tư duy còn giúp cho việc tìm ra được cách giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn, hiệu quả tốt hơn.
5.2. Nhược điểm
Bên cạnh ưu điểm, tư duy 6 chiếc mũ cũng tồn tại những hạn chế đó là vì một vấn đề được phân tích dưới 6 khía cạnh khác nhau nên đôi khi có thể dẫn đến mất nhiều thời gian để giải quyết một vấn đề.
Đặc biệt nếu ứng dụng phương pháp này trong các cuộc họp thảo luận nhóm chỉ nên áp dụng đối với những vấn đề quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn.
6. Các ví dụ về 6 chiếc mũ tư duy cụ thể
6.1. 6 chiếc mũ tư duy ví dụ ứng dụng trong đời sống
Áp dụng phương pháp sáu chiếc mũ tư duy để giải quyết vấn đề “HỌC SINH KHÔNG CHUẨN BỊ BÀI TRƯỚC KHI ĐẾN LỚP”.
Mũ màu trắng
Nêu lên vấn đề sự việc diễn ra:
- Học sinh thường xuyên không học bài cũ trước khi đến lớp.
- Xao nhãng, không tập trung giờ học không biết giáo viên đang đề cập đến vấn đề gì.
- Học sinh không biết làm gì sau khi cô giáo đã hướng dẫn cách thức, tiếp thu chậm hơn những bạn đã có sự chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Mũ màu đỏ
Tư duy cảm tính:
- Cô giáo có cảm giác học sinh không tôn trọng vì không dành thời gian để xem bài trước khi đến lớp.
- Học sinh chán nản vì không nắm được bài học.
- Học sinh không đầu tư và chú tâm vào việc học của bản thân khiến thầy cô, cha mẹ phiền lòng.
Mũ màu vàng
Các mặt tích cực của vấn đề:
- Học sinh vì lý do cá nhân (gia đình, bệnh tật,..) nên không có nhiều thời gian để chuẩn bị bài.
- Mặc dù không chuẩn bị bài nhưng cố gắng nghe giảng để hiểu bài.
- Học sinh tiếp thu nhanh nên không chuẩn bị bài vẫn có thể hiểu được.
- Học sinh đã đọc bài trước khi đến lớp rồi nhưng vẫn không hiểu vấn đề.
Mũ màu đen: Các mặt tiêu cực của vấn đề:
- Buổi học sẽ tốn nhiều thời gian để nói đi nói lại một vấn đề cho các bạn hiểu.
- Học sinh không hiểu bài sẽ có thể dẫn đến chán nản, không tập trung và lôi kéo theo những bạn khác mất trật tự trong giờ học.
Mũ màu xanh lá
Những cách giải quyết vấn đề trên:
- Giáo viên nên cố gắng tương tác qua lại với các bạn học sinh nhiều hơn để rheo dõi khả năng nhận thức và hiểu vấn đề mình đang giảng dạy.
- Học sinh được tự do nêu lên quan điểm và suy nghĩ của mình mà không bị phạt hay trừ điểm nếu nói sai.
- Thực hiện cam kết về vấn đề chuẩn bị bài trước khi đến lớp theo hướng dẫn chi tiết từ giáo viên để tiếp thu bài nhanh hơn khi đến lớp.
Mũ màu xanh dương
Đánh giá và đưa ra kết luận về hướng giải quyết vấn đề:
- Giáo viên nên ưu tiên quan tâm hơn đến những học sinh ít khi tham gia phát biểu, thụ động trong giờ học.
- Giáo viên cần để học sinh có thời gian suy nghĩ trước khi họ tham gia vào bàn luận để nắm bài học nhanh hơn.
- Học sinh hiểu rằng nếu không chuẩn bị bài trước khi đến lớp thì sẽ rất khó để tiếp thu bài học.
- Học sinh và giáo viên cần thường xuyên xem xét lại về vấn đề này để kiểm tra xem có còn nhiều trường hợp tái phạm không và việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp có giúp học sinh tiến bộ nhanh hơn không.
6.2. Ví dụ về 6 chiếc mũ tư duy trong kinh doanh
Áp dụng kỹ thuật sáu chiếc mũ tư duy để giải quyết vấn đề “CÓ NÊN ĐẦU TƯ MUA MÁY CÀ PHÊ MỚI NHẤT ĐỂ TĂNG NĂNG SUẤT HAY KHÔNG?”
Mũ màu trắng: Nêu lên những thông tin sự kiện đang có sẵn và còn thiếu:
Thông tin có sẵn:
- Số lượng ly cà phê mà tiệm có thể bán ra mỗi ngày? Trung bình một ngày tiệm có bao nhiêu khách hàng?
- Mất bao nhiêu lâu thì chiếc máy pha cà phê hiện tại có thể cho ra thành phẩm? Liệu có đáp ứng được số lượng cần bán ra mỗi ngày hay không? Chất lượng cà phê mà chiếc máy pha cà phê này làm ra có ngon hay không?
- Lợi nhuận của tiệm và phần kinh phí của tiệm có thể dành cho việc mua sắm trang thiết bị mới?
Thông tin còn thiếu:
- Xuất xứ của máy pha cà phê mới? Có uy tín không? Thông số kỹ thuật ra sao?
- Giá cả chênh lệch của máy pha cà phê mới đó với các loại máy khác trên thị trường?
- Máy pha cà phê mới có thể pha được những loại bột và hạt cà phê nào? Chất lượng cà phê mà máy pha cà phê này làm ra liệu có ngon hơn máy pha cà phê mà tiệm đang có hay không?
- Tiệm cà phê của các đối thủ khác đã có chiếc máy đó hay chưa?
Mũ màu đỏ
Tư duy bằng cảm xúc sẽ trả lời cho câu hỏi có nên mua hay không bằng phản ứng đầu tiên khi nghe đến chiếc máy pha cà phê mới, có thể là cảm giác hào hứng muốn mua ngay và nghĩ đến những lợi ích mà nó mang lại trong tương lai hoặc ngược lại là cảm giác không thoải mái khi việc bỏ tiền mua máy pha cà phê mới dù cho nó có thể pha nhanh hơn máy cũ gấp ba lần. Thậm chí có thể liên tưởng đến những tình huống xấu xảy ra như máy bị đổ vỡ, khó vận hành,… Những cảm giác không tốt để ta có thể quyết định rằng sẽ không mua máy pha cà phê mới, hoàn toàn đến từ cảm giác chủ quan. Do vậy điều này không thể đủ để đưa ra quyết định nên sẽ xem xét thêm tư duy từ những chiếc nón khác.
Mũ màu vàng
Những lợi ích mà máy cà phê mới mang lại:
- Tăng năng suất làm việc, tiết kiệm thời gian.
- Tăng doanh thu, giảm chi phí, giúp tiết kiệm điện năng.
- Mang lại chất lượng tốt hơn cho sản phẩm của tiệm, mang lại cảm giác sang trọng và cao cấp hơn với chất lượng và công nghệ máy móc vượt trội.
Thời điểm thích hợp nên mua mới:
- Khách hàng đông hơn trong khi năng suất làm việc của máy cà phê cũ sắp vượt ngưỡng cân bằng.
- Máy cà phê cũ tuổi thọ đã lâu, không còn đủ các điều kiện để cho ra 1 sản phẩm chất lượng như ban đầu.
- Cửa hàng cần một sự đổi mới về chất lượng và dịch vụ để thu hút khách hàng.
Mũ màu đen
Những điểm hạn chế:
- Mất nhiều thời gian để đào tạo nhân viên cách sử dụng và làm quen với thiết bị mới.
- Khách hàng đã quen với hương vị cà phê được pha bằng máy cũ khi đổi qua máy mới có thể mùi vị và chất lượng cũng bị ảnh hưởng.
- Tổn kém về mặt chi phí trong khi chưa thực sự cần thiết và việc sử dụng máy cũ cũng đảm bảo cân đối được.
Mũ màu xanh lá cây
Có những cách thức khác để nâng cao năng suất và chất lượng thay vì mua máy pha cà phê mới hay không không?
- Quản lý tốt vấn đề thu chi để xem là quán có đủ khả năng để thay đổi toàn bộ máy không? Nếu không thì tiến hành thay đổi 1 máy trước, nếu mang đến hiệu quả vượt trội hơn thì tiến hành thay thế đồng loạt.
- Training đội ngũ nhân viên kỹ càng hơn từ phục vụ, pha chế đến giữ xe để có thể phục vụ khách hàng một cách chu đáo nhất.
- Kiểm tra và xem xét lại những loại cà phê nào bán chạy nhất thì tập trung đẩy mạnh và nhập nhiều để bán.
Đâu là mặt tích cực của vấn đề này: Giúp đồ uống ngon hơn và tiết kiệm khá nhiều thời gian, chi phí mà vẫn thu được nhiều lợi nhuận.
Mũ màu xanh dương
Sau khi xem xét tất cả các dữ kiện được đưa ra từ mũ trắng, mặt tích cực, tiêu cực được chỉ ra từ mũ đen và mũ vàng, những ý tưởng thay thế của mũ xanh lá và trực giác từ mũ đỏ mách bảo thì mũ xanh dương sẽ tiến hành xem xét bao quát vấn đề và đưa ra quyết định cuối cùng.
7. Kết luận
Áp dụng sơ đồ tư duy 6 chiếc mũ giúp cho bạn có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Hy vọng những chia sẻ của GOBRANDING về kỹ thuật giải quyết vấn đề theo 6 chiếc mũ tư duy sẽ giúp bạn có thể nắm được và áp dụng phương pháp này vào những sự kiện diễn ra trong cuộc sống, công việc.
Dịch vụ SEO đột phá tại GOBRANDING giúp giải quyết vấn đề về thứ hạng website và nâng cao tỷ lệ chuyển đổi. Đăng ký tư vấn ngay!