7P trong Marketing là gì? Mô hình 7P Marketing Mix hiệu quả

Theo dõi GOBRANDING trên
Rate this post

Mô hình 7P Marketing được xem là phiên bản “nâng cấp” của Marketing Mix 4P. Nếu như mô hình 4P chỉ tập trung vào tiếp thị sản phẩm thì 7P trong Marketing lại tổng quát hơn khi đề cập thêm đến các yếu tố liên quan đến dịch vụ. Vậy 7P Marketing là gì? Làm cách nào áp dụng mô hình 7P để xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả? Cùng GOBRANDING tìm hiểu ngay trong bài viết này!

I. 7P trong Marketing là gì?

Marketing Mix ban đầu được phát triển bởi nhà tiếp thị nổi tiếng – E. Jerome McCarthy với 4 yếu tố cơ bản, bao gồm: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Phân phối) và Promotion (Xúc tiến).

Theo thời gian, để bắt kịp những cải tiến và sự phức tạp trong Marketing hiện đại, Marketing Mix 4P đã được bổ sung và phát triển thành mô hình 7P. Bên cạnh 4 yếu tố cơ bản như trên, mô hình 7P Marketing còn bổ sung thêm 3 yếu tố: People (Con người), Process (Quá trình), và Physical evidence (Cơ sở vật chất) cho phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. 

Mô hình 7P Marketing là gì?
Mô hình 7P Marketing là gì?

Chiến lược 7P Marketing hiện đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm mục đích tiếp thị sản phẩm/dịch vụ hiệu quả đến các thị trường tiềm năng. Để làm được điều này, bạn trước hết cần tìm hiểu về các yếu tố có trong mô hình 7P Marketing, cụ thể: 

1. Product (Sản phẩm)

Chữ P đầu tiên được nhắc đến trong mô hình 7P Marketing đó chính là Product (Sản phẩm). Sản phẩm được xem là yếu tố cốt lõi, có tác động trực tiếp đến quyết định của khách hàng. Chúng được nghiên cứu và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu, mong muốn của nhóm đối tượng khách hàng cụ thể. Nếu như trước đây trong mô hình 4P, sản phẩm chỉ bao gồm các hàng hóa hữu hình thì giờ đây, 7P trong Marketing còn bao gồm cả hàng hóa vô hình (thể hiện dưới dạng dịch vụ). 

Dù là sản phẩm hữu hình hay vô hình, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo giải pháp đó có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Để hiểu rõ hơn về bản chất của sản phẩm, bạn cần nắm rõ các cấp độ sản phẩm như sau:

  • Sản phẩm cốt lõi (Core Product): được định nghĩa là lợi ích, giá trị mà sản phẩm/dịch vụ mang lại cho khách hàng. Hoặc cũng có thể nói đó chính là những lợi ích mà khách hàng đang tìm kiếm ở sản phẩm/dịch vụ.
  • Sản phẩm thực tế (Actual Product): là sản phẩm được sản xuất nhằm giải quyết nhu cầu của khách hàng, bao gồm các yếu tố như: chức năng, kiểu dáng, thương hiệu, bao bì,… 
  • Sản phẩm tăng cường (Augmented Product): đây là những giá trị bổ sung mà sản phẩm mang lại, chẳng hạn như: dịch vụ bảo hành, sửa chữa, vận chuyển, chăm sóc khách hàng,… 

2. Price (Giá cả)

Giá cả là một trong những yếu tố cơ bản của mô hình 7P Marketing. Khi có bất kỳ sự điều chỉnh về giá nào cũng sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược Marketing của doanh nghiệp đó. Đồng thời còn tác động trực tiếp đến nhu cầu của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. 

Để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường và mang lại doanh thu cho doanh nghiệp, bạn sẽ cần lựa chọn chiến lược định giá phù hợp. Theo đó, bạn sẽ cần trả lời các câu hỏi cụ thể như sau:

  • Chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra để cung cấp sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng là bao nhiêu?
  • Giá trị mà sản phẩm/dịch vụ mang lại cho khách hàng có tương xứng với số tiền khách hàng bỏ ra?
  • Giá hiện tại của doanh nghiệp có theo kịp với các đối thủ cạnh tranh?
  • Việc giảm giá nhẹ có giúp tăng thị phần doanh nghiệp đáng kể không?

3. Place (Phân phối)

Place trong mô hình 7P có nghĩa là phân phối – một phần không thể thiếu của Marketing Mix. Yếu tố này liên quan đến việc định vị và phân phối sản phẩm của bạn đến các khách hàng mục tiêu. Cụ thể, nó bao gồm các quyết định về địa điểm bán hàng, phân phối và vận chuyển sản phẩm. Mục tiêu hướng đến là tạo ra trải nghiệm mua sắm thuận tiện và dễ dàng cho khách hàng. 

Chiến lược phân phối là một phần không thể thiếu của Marketing Mix 7P
Chiến lược phân phối là một phần không thể thiếu của Marketing Mix 7P

Có hai chiến lược phân phối cơ bản mà bạn nên nắm rõ:

  • Chiến lược phân phối trực tiếp: Đây là hình thức mà doanh nghiệp cung cấp trực tiếp sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng, phù hợp với hầu hết các doanh nghiệp quy mô nhỏ. 
  • Chiến lược phân phối gián tiếp: Với hình thức này, sản phẩm sẽ được gửi qua nhiều kênh trung gian phân phối trước khi đến được tay khách hàng. Các kênh trung gian có thể là các đại lý, nhà bán lẻ, nhà môi giới,… tham gia vào quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng (end user).

Khác với sản phẩm hữu hình có thể phân phối qua nhiều kênh khác nhau để đến tay người tiêu dùng. Dịch vụ lại được bán trực tiếp từ các nhà cung cấp dịch vụ, không thể dự trữ như sản phẩm mà được tạo ra khi khách hàng có nhu cầu. 

Bên cạnh hai chiến lược phân phối chính là trực tiếp và gián tiếp, còn có nhiều hình thức phân phối khác mà bạn có thể áp dụng, bao gồm: 

  • Chiến lược phân phối rộng khắp (Intensive Distribution).
  • Chiến lược phân phối độc quyền (Exclusive Distribution).
  • Chiến lược phân phối chọn lọc (Selective Distribution).

4. Promotion (Xúc tiến)

Chữ P tiếp theo trong 7P Marketing chính là Promotion (Xúc tiến), bao gồm các hoạt động: quảng cáo, quan hệ công chúng (PR), bán hàng cá nhân, khuyến mãi,… Mục tiêu mà chiến lược này hướng đến là tăng nhận thức của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ, từ đó gia tăng doanh số bán hàng của doanh nghiệp. 

Để khách hàng biết đến sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, bạn cần phải xây dựng một chiến lược xúc tiến hỗn hợp hiệu quả. Trong đó, mọi thông điệp cần phải nhất quán để khách hàng dễ dàng nhận biết thương hiệu giữa hàng trăm nghìn đối thủ khác trên thị trường. 

Các hoạt động xúc tiến hỗn hợp giúp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn
Các hoạt động xúc tiến hỗn hợp giúp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn

Các hình thức xúc tiến hỗn hợp phổ biến hiện nay phải kể đến:

  • Quảng cáo: Đây là hình thức truyền thông yêu cầu doanh nghiệp phải trả phí, chẳng hạn như quảng cáo trên truyền hình, báo chí, đài phát thanh,… Các hình thức này mang đến hiệu quả tiếp thị cao, cho phép doanh nghiệp tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng. 
  • Quan hệ công chúng (PR): Bao gồm các hoạt động truyền thông, PR, tổ chức sự kiện, v.v. để tăng cường nhận thức thương hiệu, tạo dựng mối quan hệ tốt với khách hàng và cộng đồng.
  • Bán hàng cá nhân: Bao gồm các hoạt động trưng bày sản phẩm, tư vấn, đào tạo nhân viên bán hàng,… giúp mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tốt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực B2B. 
  • Tiếp thị truyền miệng: Với hình thức này, khách hàng sẽ chính là người chia sẻ thương hiệu của bạn đến mọi người xung quanh nếu chất lượng sản phẩm/dịch vụ thật sự tốt. 

5. People (Con người)

Mở rộng hơn so với Marketing Mix 4P, mô hình 7P được bổ sung thêm 3 yếu tố: People (Con người), Process (Quy trình), Physical Evidence (Cơ sở vật chất). Trong đó, People là yếu tố quan trọng hàng đầu khi các phương pháp tiếp thị dần hướng đến lấy khách hàng làm trung tâm. Việc nghiên cứu và phân tích kỹ dữ liệu thị trường là rất quan trọng. Điều này đảm bảo thị trường mục tiêu của bạn đang có nhu cầu cho các loại sản phẩm/dịch vụ nhất định hay không. 

Yếu tố con người ở đây không chỉ đề cập đến khách hàng mục tiêu mà còn là những người tham gia trực tiếp vào quá trình tiếp thị, bao gồm: các nhà tiếp thị, nhân viên bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên kỹ thuật, v.v. Khách hàng thường có xu hướng đánh giá một thương hiệu dựa trên những trải nghiệm của họ đối với nhân viên. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo nhân viên của mình có đủ kiến thức và kỹ năng để cung cấp dịch vụ và sản phẩm chất lượng cho khách hàng.

6. Process (Quy trình)

Process trong mô hình 7P đề cập đến tất cả các quy trình cần thiết để cung cấp sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng. Theo đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng quy trình hoạt động và quy trình làm việc sao cho hiệu quả và tối ưu. Không chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động mà còn giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. 

Thiết lập quy trình rõ ràng, cụ thể giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động
Thiết lập quy trình rõ ràng, cụ thể giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động

Các quy trình mà doanh nghiệp cần thiết lập có thể bao gồm: quy trình quản lý, quy trình chăm sóc khách hàng, quy trình đặt hàng – thanh toán, quy trình xuất nhập kho, quy trình giao hàng,… 

7. Physical Evidence (Cơ sở vật chất)

Chữ P cuối cùng của mô hình 7P trong Marketing là Physical Evidence – dịch tạm là cơ sở vật chất hay bằng chứng hữu hình. Yếu tố này đề cập đến không gian nơi khách hàng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp mang đến cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Từ đó, bạn có thể tạo nên khác biệt trong mắt khách hàng so với vô số những cái tên khác trên thị trường, gia tăng lợi thế cạnh tranh hiệu quả. 

Ví dụ, đối với một nhà hàng ẩm thực, bằng chứng hữu hình có thể là: cách bày trí nội thất, đồng phục nhân viên, thực đơn, phong cách nhà hàng,… 

II. Tầm quan trọng của mô hình 7P trong Marketing

Có thể nói, chiến lược 7P Marketing là chiến lược tiếp thị toàn diện, được cải tiến nhiều so với mô hình 4P cơ bản. Không chỉ tập trung vào tiếp thị sản phẩm, 7P trong Marketing còn chú trọng đến tiếp thị dịch vụ. Đây cũng chính là nền tảng thiết lập các chiến lược Marketing tổng thể hiệu quả cho doanh nghiệp. Cụ thể, mô hình 7P mang đến nhiều lợi ích quan trọng như sau:

  • Đầu tiên, chiến lược 7P giúp doanh nghiệp xác định chính xác nhu cầu của thị trường cũng như cách thức tổ chức hoạt động để đáp ứng được nhu cầu đó. 
  • Mô hình này cũng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sản phẩm/dịch vụ mà mình cung cấp ra thị trường. Các yếu tố như tính cạnh tranh, độ khác biệt và giá trị sản phẩm được đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo sản phẩm/dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
  • Áp dụng 7P Marketing hiệu quả giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường. Từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn, gia tăng hiệu quả bán hàng và mở rộng thị phần. 
  • Chiến lược 7P cũng giúp doanh nghiệp tận dụng những thế mạnh của mình và cắt giảm đáng kể các chi phí không cần thiết trong hoạt động. 

III. Chiến lược 7P Marketing hiệu quả từ thương hiệu Phúc Long 

Như vậy, ta đã cùng tìm hiểu về mô hình 7P trong Marketing cũng như vai trò của nó đối với hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giúp bạn có góc nhìn rõ hơn về mô hình này, hãy cùng GOBRANDING phân tích Case Study: Phúc Long và chiến lược 7P Marketing hiệu quả!

1. Giới thiệu về Phúc Long

Phúc Long Coffee & Tea là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam. Chính thức được thành lập vào năm 1968, tính đến nay đã hơn 50 năm hoạt động, Phúc Long đã tạo dựng được cho mình một vị thế vững chắc trên thị trường. 

Phúc Long Coffee & Tea là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam
Phúc Long Coffee & Tea là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam

Hiện nay, Phúc Long đã có riêng cho mình hơn 60 cửa hàng tại các tỉnh thành lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ, Nha Trang,… Bên cạnh đó, thương hiệu này còn gia tăng độ phủ sóng các sản phẩm của mình trên nhiều kênh phân phối khác nhau như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… Để có được vị thế này, Phúc Long đã áp dụng mô hình 7P Marketing vào thực tế hoạt động và đạt được thành công vang dội. 

2. Phân tích chiến lược 7P của Phúc Long 

2.1. Product

Sản phẩm chính là yếu tố cốt lõi làm nên sự thành công của thương hiệu. Hiểu được điều này, Phúc Long luôn chú trọng vào bước nghiên cứu và phát triển sản phẩm để cho ra những sản phẩm tốt nhất. Thương hiệu này nhanh chóng tìm được điểm bán hàng độc nhất (USP) của mình, đó chính là: hương vị trà đậm, đánh vào gu “thưởng trà” của các khách hàng sành sỏi. 

Phúc Long đã thiết lập USP là hương vị trà đậm, phù hợp với những ai “sành” trà
Phúc Long đã thiết lập USP là hương vị trà đậm, phù hợp với những ai “sành” trà

Bên cạnh chiến lược khác biệt hóa, Phúc Long còn lựa chọn chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Thương hiệu này cung cấp đến khách hàng một loạt các danh mục sản phẩm khác như: cà phê, trà sữa, nước ép, bánh mặn, bánh ngọt,… với mong muốn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.  

2.2. Price

Phúc Long Coffee & Tea đã thiết lập chiến lược định giá dựa trên giá trị sản phẩm/dịch vụ. Theo đó, giá bán sản phẩm được xây dựng một cách hợp lý dựa trên điểm bán hàng độc nhất về sản phẩm của thương hiệu này. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng áp dụng thêm các chiến lược giá khác bao gồm: Product Line Pricing (Chiến lược giá theo dòng sản phẩm), Combo Pricing (Chiến lược giá combo),… nhằm thúc đẩy hành vi mua của khách hàng.

2.3. Place

Với hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực, Phúc Long đã xây dựng được cho mình hệ thống phân phối lên đến 84 cửa hàng trên toàn quốc. Các cửa hàng của Phúc Long chủ yếu tập trung tại các tỉnh thành lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nha Trang, Đồng Nai, Cần Thơ,… Ngoài các kênh phân phối trực tiếp, sản phẩm của Phúc Long cũng được phân phối gián tiếp qua các kênh trung gian như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… 

Bắt kịp xu hướng của thời đại số, Phúc Long còn đầu tư vào kênh bán hàng trực tuyến. Theo đó, khách hàng hoàn toàn có thể đặt hàng online thông qua website hoặc các app giao hàng như: Grab, Gojeck, Shopee Food,… 

2.4. Promotion

Phúc Long cũng tập trung nguồn lực cho chiến lược xúc tiến hỗn hợp nhằm đưa thương hiệu tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Cụ thể, thương hiệu này thực hiện cả 2 chiến lược tiếp thị: chiến lược kéo (pull) và chiến lược đẩy (push).

  • Chiến lược kéo (pull): Phúc Long đẩy mạnh truyền thông nhằm tăng độ phủ của thương hiệu trên nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Youtube,… Với chiến lược này, thương hiệu đã tiếp cận được lượng lớn khách hàng và nâng cao mức độ nhận biết về thương hiệu.
  • Chiến lược đẩy (push): Chuỗi cửa hàng Phúc Long chọn các vị trí đắc địa, ngay khu vực mặt tiền với lượng lớn người qua lại. Bên cạnh đó, thương hiệu này còn kết hợp chiêu thị tại các trung tâm thương mại, siêu thị mua sắm lớn nhằm tiếp cận hiệu quả đến các khách hàng tiềm năng.   

2.5. People

Marketing Mix People của Phúc Long được thể hiện qua các yếu tố sau:

  • Nhân viên được đào tạo bài bản, theo quy trình cụ thể và rõ ràng. Cách thức làm việc chuyên nghiệp, cải thiện quy trình để giảm thiểu thời gian chờ của khách hàng. 
  • Thái độ nhân viên niềm nở, nhiệt tình, giúp khách hàng cảm thấy hài lòng và thoải mái khi đến với Phúc Long.
  • Bộ phận CSKH luôn túc trực để tư vấn hoặc giải quyết kịp thời các vấn đề, khiếu nại từ khách hàng. Từ đó tăng cường độ uy tín, chuyên nghiệp và tạo hình ảnh tốt trong mắt khách hàng. 
Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, rất chuyên nghiệp và nhiệt tình với khách hàng
Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, rất chuyên nghiệp và nhiệt tình với khách hàng

2.6. Process

Tính đến nay, Phúc Long đang có tổng cộng 2 nhà máy sản xuất ở Bến Cát, Bình Dương và Bảo Lộc, Lâm Đồng. Mỗi nhà máy đều có quy trình làm việc rõ ràng, từ khâu nhập nguyên liệu cho đến khâu cho ra thành phẩm. Khâu bán hàng cũng được tuân theo quy trình chặt chẽ, từ kiểm duyệt nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chi phí đến đào tạo nhân viên,… Tất cả đều là minh chứng cho sự thành công của Phúc Long về mặt quản lý và vận hành. 

2.7. Physical Evidence

Dù đã được ra mắt hơn nửa thập kỷ, Phúc Long vẫn luôn tìm kiếm sự đổi mới và phá cách thay vì chỉ đi theo một lối mòn. Chuỗi cửa hàng Phúc Long luôn được khách hàng đánh giá cao bởi thiết kế không gian quán nổi bật, sang trọng. Đặc trưng là thiết kế nội thất đơn giản, hiện đại kết hợp cùng tone đèn vàng ấm áp, dễ chịu. Đặc biệt hơn, các cửa hàng của Phúc Long cũng được trang trí theo các concept phù hợp với những dịp lễ đặc biệt trong năm. 

Các cửa hàng Phúc Long hướng đến các thiết kế đơn giản mà hiện đại
Các cửa hàng Phúc Long hướng đến các thiết kế đơn giản mà hiện đại

Qua phân tích có thể thấy, Phúc Long đã áp dụng hiệu quả mô hình 7P để xây dựng chiến lược Marketing tổng thể cho thương hiệu mình. Mỗi chiến lược nhỏ bên trong đều có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả tiếp thị tổng thể và mang lại thành công vang dội cho thương hiệu. 

IV. Kết luận

Tóm lại, việc áp dụng mô hình 7P Marketing giúp doanh nghiệp xác định được tất cả các yếu tố quan trọng để tạo nên chiến lược Marketing hiệu quả. Chính vì vậy, việc nắm vững và biết cách áp dụng 7P trong Marketing là rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay. Hy vọng những chia sẻ trên đây của GOBRANDING đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức Marketing hữu ích!

Bình luận
profile profile hotline