- Trang chủ
- Website & Marketing Online
- [Phần 1] Truyền thông là gì? Truyền tải thông điệp truyền thông hiệu quả
[Phần 1] Truyền thông là gì? Truyền tải thông điệp truyền thông hiệu quả
Theo dõi GOBRANDING trênBạn biết tới chiếc Iphone 12 Pro Max được Apple công bố cho ra mắt vào ngày nào; bạn theo dõi được những trailer, poster của những bộ phim mới nhất; bạn tương tác, trò chuyện trực tuyến được với những tổ chức, thần tượng… mà bạn theo dõi; hay đơn giản là bạn đang đọc được bài viết này.
Tất cả đều nhờ truyền thông và các phương tiện truyền thông. Vậy truyền thông là gì? Truyền thông có vai trò quan trọng như thế nào đối với các tổ chức, doanh nghiệp? Cách truyền tải những thông điệp truyền thông hiệu quả ra sao? Hãy cùng GOBRANDING tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Nội dung chính
1. Khái niệm truyền thông là gì?
Truyền thông là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm,… liên tục giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng xã hội.
Hàng ngày, bạn và người thân, bạn bè, đồng nghiệp vẫn trao đổi, tương tác thông tin với nhau, theo dõi tất cả những tình hình trên thế giới thông qua Facebook, TV, báo chí… Đó chính là nhờ truyền thông đã giúp chúng ta trở nên gắn kết với nhau hơn. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, truyền thông nắm một vai trò hết sức quan trọng, nó đã trở thành một khái niệm được sử dụng phổ biến trong các hoạt động truyền bá, quảng cáo. Nhưng thực sự bạn có hiểu Truyền thông là gì? Truyền thông có những đặc điểm như thế nào và tại sao doanh nghiệp cần thực hiện các kế hoạch truyền thông?
Truyền thông là hiện tượng xã hội phổ biến, ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người, tác động và liên quan đến mọi người trong xã hội. Do đó, đã có khoảng 120 định nghĩa, quan niệm về truyền thông được đưa ra tùy theo góc nhìn đối với truyền thông. Một số nhà lý luận về truyền thông cho rằng truyền thông chính là quá trình trao đổi tư duy hoặc ý tưởng thông qua ngôn ngữ. Một số ý kiến khác lại cho rằng truyền thông là quá trình liên tục, qua đó chúng ta hiểu được người khác và làm cho người khác hiểu được chúng ta. Đó là một quá trình luôn thay đổi, biến chuyển và ứng phó với tình huống.
Còn theo quan niệm của Dean C. Barnlund – một nhà nghiên cứu truyền thông người Anh cho rằng:
Frank Dance – Giáo sư về truyền thông học người Mỹ lại quan niệm:
Theo quan niệm này, quá trình truyền thông có thể làm gia tăng tính độc quyền, hoặc phá vỡ tính độc quyền. Ngoài ra, có thể dẫn ra các định nghĩa, quan niệm khác nhau về truyền thông. Mỗi định nghĩa, quan niệm đều có những khía cạnh hợp lý riêng:
- Truyền thông là quá trình chia sẻ thông tin, là hình thức tương tác xã hội trong đó có ít nhất hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các quy tắc và tín hiệu chung.
- Truyền thông chính là những hoạt động truyền đạt hay lan truyền thông tin.
- Truyền thông là hình thức truyền đạt, trao đổi thông tin giữa người với người. Người muốn truyền đạt thông tin sẽ áp dụng cách thích hợp để nhắm đến đối tượng cụ thể tiếp nhận thông tin.
Có thể thấy rằng, các định nghĩa, quan niệm khác nhau trên vẫn có những điểm chung cơ bản về truyền thông. Truyền là truyền đạt, Thông là thông tin. Truyền thông được hiểu một cách đơn giản chính là quá trình truyền đạt thông tin nhằm tác động đến suy nghĩ, tư tưởng của đối tượng truyền thông mà chúng ta muốn hướng đến. Như vậy, từ các quan niệm trên, có thể đưa ra một khái niệm về truyền thông như sau:
Truyền thông là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm… liên tục giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, truyền thông là hoạt động cung cấp, truyền tải thông tin một cách rộng rãi đến các đối tượng truyền thông khác nhau như công chúng, khách hàng tiềm năng, đối tác, đối thủ cạnh tranh… và cả nhân viên trong doanh nghiệp đó, để được nhiều người biết đến nhằm tạo ra sự quan tâm, ủng hộ từ các đối tượng mục tiêu. Do đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng sống còn trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.
2. Những yếu tố cơ bản của truyền thông
Truyền thông bao gồm 6 yếu tố cơ bản sau đây:
- Nguồn: Là nơi bắt đầu hay khởi xướng cho mọi thông tin lan truyền.
- Nội dung: Là thông tin hay thông điệp để có thể sản xuất ra những tác phẩm có ý nghĩa như những câu chuyện, bài viết, video và hình ảnh…
- Kênh truyền tải: Thông qua các hình thức như truyền hình, phát thanh, báo chí, truyền miệng… để truyền tải thông tin đến công chúng.
- Người nhận: Là đối tượng tiếp nhận thông tin truyền thông.
- Phản hồi: Là những thông tin, ý kiến của người tiếp nhận thông tin phản hồi lại.
- Nhiễu trong truyền thông: Là những thông tin bị sai lệch trong quá trình lan truyền.
3. Vai trò của truyền thông đối với doanh nghiệp
Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay, vậy đối với doanh nghiệp, vai trò của truyền thông là gì? Sau đây là 3 vai trò chủ chốt của truyền thông đối với mọi doanh nghiệp:
- Truyền thông là phương pháp mạnh mẽ mang thương hiệu của bạn đến với khách hàng tiềm năng. Thông qua các kênh truyền thông đại chúng như: truyền miệng, báo chí, phát thanh, truyền hình… Hình ảnh và các thông điệp về doanh nghiệp của bạn sẽ đến được với đông đảo công chúng nhất. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, chúng có thể được lan truyền, chia sẻ mạnh mẽ trên Internet, trên các trang mạng xã hội với những tốc độ vô cùng nhanh chóng.
- Truyền thông giúp định hướng khách hàng. Thông qua hoạt động quảng bá, truyền tải, chia sẻ. Bạn có thể dễ dàng xây dựng lòng tin về thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng.
- Truyền thông là một hoạt động mang tính tương tác đa chiều. Bạn cũng có thể nhận biết được những thông tin phản hồi từ công chúng mục tiêu (khách hàng, đối tác, nhân viên…) để có thể phát huy những thông tin tích cực hoặc sửa đổi và điều chỉnh những thông tin mang tính nhiễu.
>> Digital Branding có thể mang lại hiệu quả truyền thông cao nhờ chi phí đầu tư không quá cao và thông tin được lưu trữ vĩnh viễn. Vậy Digital Branding là gì?
4. Thông điệp truyền thông
4.1. Định nghĩa thông điệp truyền thông là gì?
Thông điệp truyền thông là bất kỳ điều gì mà doanh nghiệp muốn nói đến công chúng mục tiêu. Thông điệp truyền thông còn là sự phản ánh, là phương tiện truyền tải chiến lược định vị của thương hiệu và đưa định vị đó đến tác động vào nhận thức, cảm xúc và hành vi của công chúng mục tiêu.
4.2. Nguyên tắc khi xây dựng thông điệp truyền thông và ví dụ chi tiết
Thông điệp rất quan trọng đối với tất cả các nỗ lực truyền thông của bạn. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Internet đã ngày càng đưa công chúng tiếp cận nhiều hơn các thông điệp mỗi ngày. Một số thống kê cho rằng trung bình một người có thể tiếp nhận tới 1500 thông điệp mỗi ngày. Vậy phải làm sao để thông điệp của bạn tới được công chúng mục tiêu? Làm thế nào để họ nhớ đến bạn giữa hàng trăm, hàng nghìn các thông điệp từ các doanh nghiệp khác? Do đó, nói gì và nói như thế nào để khách hàng mục tiêu nhớ đến bạn vẫn luôn là câu hỏi khó đối với nhiều doanh nghiệp.
GOBRANDING chia sẻ tới các bạn một số nguyên tắc cần thiết để xây dựng những thông điệp truyền thông hiệu quả và kèm theo các ví dụ cụ thể dưới đây:
- Đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ:
Để đạt được nguyên tắc này, bạn không nên dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ, hãy lựa chọn những từ ngữ phổ thông, ngắn gọn, bao được hàm ý sẽ dễ đi vào nhận thức của khách hàng hơn và khiến khách hàng nhanh chóng ghi nhớ.
Ví dụ về thông điệp truyền thông đơn giản, dễ nhớ: Nhiều công ty lớn trên thế giới ở các lĩnh vực đã truyền tải thông điệp qua các tagline, slogan như: “Just do it” – Nike, “I’m lovin’ it” – McDonald’s
Ví dụ về thông điệp truyền thông đơn giản khác: Tại Việt Nam, các tập đoàn, công ty lớn cũng đã sử dụng những thông điệp đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ như: “Theo cách của bạn” – Viettel, “Đi để trở về” – Biti’s.
- Chân thật, uy tín và đáng tin cậy:
Tổ chức, doanh nghiệp cần truyền tải được sự uy tín, đáng tin cậy của mình qua những thông điệp mình muốn nói.
Ví dụ về thông điệp truyền thông uy tín, đáng tin cậy: Colgate xây dựng hình ảnh uy tín, đáng tin cậy thông qua việc sử dụng các thông cáo khuyên dùng của các bác sĩ nha khoa. Hay hình ảnh so sánh trắng và chắc như ngọc trai nếu sử dụng Colgate, bên cạnh đó Colgate tiếp tục định vị màu đỏ đặc trưng của mình và thể hiện nó trên các phương tiện hiển thị.
- Hấp dẫn, bắt mắt để tạo và kéo dài hứng thú của đối tượng mục tiêu:
Khi doanh nghiệp có thể truyền đi những thông điệp truyền thông sáng tạo, hấp dẫn, bắt mắt sẽ tạo ra sự hứng thú, quan tâm của công chúng dành cho thương hiệu. Không chỉ vậy, những thông điệp truyền thông đó còn được công chúng chia sẻ, hưởng ứng mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tạo được hiệu ứng truyền thông lan rộng.
Ví dụ về thông điệp truyền thông sáng tạo, thu hút sự quan tâm: Vào mùa hè năm 2011, một chiến dịch lớn của Coca-Cola với thông điệp truyền thông “Share a Coke” – “Cùng chia sẻ Coca” được bắt đầu khởi động và tạo nên một cơn “chấn động” mạnh, làm sôi sục cả đất nước Australia vào thời điểm đó. Tại Việt Nam, chiến dịch “Trao Coca Cola, kết nối bạn bè” cũng tạo được phản ứng lan truyền mạnh mẽ. Công chúng tỏ ra rất hứng thú khi được thể hiện tên của mình và tên những người thân quen trên những chiếc lon/chai Coca và chia sẻ với bạn bè, người thân. Do đó, thông điệp truyền thông của Coca-Cola đã đạt được nhiều con số tự hào:
Tạo ra hơn 40.000 cuộc nói chuyện chủ đề in tên lên lon Coke, từ khóa “Trao Coca-Cola kết nối bạn bè” cho 54.400 kết quả trên Google, tìm từ khoá “Share a Coke Vietnam” có 548.000 kết quả (kết quả thu được sau một tháng triển khai).
- Liên quan đến chủ đề truyền thông, gắn liền với hành vi cần thay đổi và thúc đẩy đối tượng mục tiêu phải đến với sản phẩm, dịch vụ của bạn:
Doanh nghiệp thường sử dụng thông điệp trên các banner quảng cáo nhằm tác động vào hành vi của khách hàng mục tiêu, thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Ví dụ về thông điệp truyền thông tác động đến hành vi khách hàng mục tiêu: Chẳng hạn như một Spa sử dụng thông điệp “Đẹp mỗi ngày – Vận may sẽ đến” gây tác động mạnh đến nhận thức của khách hàng mục tiêu. Ai cũng luôn mong muốn mình gặp nhiều điều thuận lợi, may mắn trong cuộc sống, đặc biệt là chị em phụ nữ. Họ luôn mong muốn mình đẹp hơn, tươi trẻ hơn, từ đó họ cảm thấy rằng những điều may mắn, tốt đẹp sẽ tới. Thông điệp này của Spa đã góp phần thúc đẩy đáng kể khách hàng đến với dịch vụ làm đẹp tại đây.
- Cần phải phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của công chúng mục tiêu:
Khi doanh nghiệp muốn truyền tải đi các thông điệp truyền thông hiệu quả thì cũng cần phải lưu ý đến vấn đề văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của đối tượng mục tiêu mình hướng tới. Điều này có thể được biểu hiện qua màu sắc, hình ảnh được sử dụng hoặc văn hóa con người tại từng môi trường, khu vực địa lý…
Ví dụ về thông điệp truyền thông phù hợp văn hóa: Đối với các nước phương Đông như tại Việt Nam hay Trung Quốc, vào dip Tết, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, vào ngày Tết mọi người thường mặc áo dài và cũng quan niệm rằng Tết chính là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ sum vầy, quây quần bên nhau. Do đó, nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh như Oreo tung ra những TVC quảng cáo với thông điệp truyền thông phù hợp với văn hóa của công chúng mục tiêu.
Quảng cáo Tết 2020 của Oreo tại Việt Nam: Oreo mang đến thông điệp “Phiêu nhạc Tết – Vui gắn kết”. Thương hiệu đã có một TVC quảng bá cho chiến dịch lấy bối cảnh bữa cơm gia đình ngày Tết, người phụ nữ mặc áo dài. Hình ảnh hộp bánh Oreo xuất hiện với những nốt nhạc Tết mang đến niềm vui, sự gắn kết cho cả gia đình.
Quảng cáo Tết 2020 của Oreo tại Trung Quốc: Oreo truyền đi thông điệp “Turns Red” – “Đỏ cả năm”, sử dụng nhiều màu đỏ xuất hiện trong viral clip, từ việc mặc trang phục màu đỏ, trang trí với hoa đỏ, bao lì xì đỏ… Đồng thời, phù hợp với quan niệm và văn hóa của người Trung Quốc, Oreo cũng cho ra mắt phiên bản Oreo Red Velvet dành cho dịp Tết này.
>> Tìm hiểu thêm về hình thức Viral Marketing giúp doanh nghiệp quảng bá hiệu quả.
- Tác động đến cảm xúc, tâm lý của công chúng (gây lo sợ, lạc quan, vui vẻ, yêu thương…):
Ví dụ về thông điệp truyền thông cảm xúc: Thương hiệu bia nổi tiếng thế giới Budweiser đã gây sự quan tâm chú ý tới giới truyền thông bằng đoạn phim quảng cáo làm lay động hàng triệu trái tim công chúng. Budweiser đánh thức cảm xúc khán giả bằng đoạn TVC quảng cáo “ Puppy Love”.
>> Với Dịch vụ quảng cáo trên Google, chiến dịch truyền thông thương hiệu và sản phẩm sẽ thành công nhanh chóng.
5. Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của GOBRANDING về truyền thông là gì. Qua đó cho thấy truyền thông góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình tiếp cận gần hơn với những khách hàng tiềm năng. Từ đó gia tăng tỷ lệ chuyển đổi: thu hút khách hàng biết tới, quan tâm và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng thông điệp truyền thông phù hợp để đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông là công việc không thể thiếu trong chiến lược Marketing cho doanh nghiệp