- Trang chủ
- Chưa được phân loại
- Nhãn hiệu là gì? Sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu
Nhãn hiệu là gì? Sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu
Theo dõi GOBRANDING trênNgày nay, trên thị trường có rất nhiều loại hàng hóa với đa dạng nhãn hiệu. Để lựa chọn sản phẩm ưng ý, người tiêu dùng cần phải dựa vào nhãn hiệu của hàng hóa. Dù vậy, rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nhãn hiệu là gì và sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu là như thế nào.
Do đó, qua bài viết này, GOBRANDING sẽ làm rõ thuật ngữ trademark/nhãn hiệu là gì và một số thông tin liên quan, nhằm làm cơ sở cho việc so sánh, đánh giá hàng hóa đến từ các doanh nghiệp khác nhau trên thị trường.
Nội dung chính
- 1. Nhãn hiệu (trademark) là gì?
- 2. Công dụng của nhãn hiệu trong Marketing là gì?
- 3. Phân loại nhãn hiệu
- 4. Phân biệt Trademark (nhãn hiệu) và Brand (thương hiệu) khác nhau như thế nào?
- 5. Bảo hộ nhãn hiệu là gì? Tại sao doanh nghiệp cần bảo hộ nhãn hiệu?
- 6. Ý nghĩa của bảo hộ nhãn hiệu đối với Digital Branding
- 7. Cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu trên Internet
- 8. Các bước đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
- 9. Các dấu hiệu chứng minh nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ
- 10. Một số nguyên tắc đặt tên, thiết kế nhãn hiệu
- 11. Kết luận
1. Nhãn hiệu (trademark) là gì?
Trademark là gì? Theo định nghĩa tiếng Anh, “trademark” là nhãn hiệu. Vậy thì nhãn hiệu là gì?
Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019): Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Việc xác định quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trên quốc tế, từ nhãn hiệu tương ứng với 3 cách viết phổ biến như sau:
- Ở Anh, người ta dùng cách viết “trade mark” để chỉ nhãn hiệu.
- Tại Canada, từ nhãn hiệu được viết là “trade-mark”.
- Theo định nghĩa của WIPO (World Intellectual Property Organization) – Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới thì thuật ngữ chỉ nhãn hiệu là “trademark”.
Trong bài viết này, GOBRANDING sẽ sử dụng từ “trademark” theo định nghĩa chính thức của WIPO.
2. Công dụng của nhãn hiệu trong Marketing là gì?
Để hàng hóa được lưu hành một cách chính thống trên thị trường thì chúng phải có nhãn hiệu (trademark). Vậy, công dụng của nhãn hiệu là gì mà lại quan trọng đến thế?
2.1. Phân biệt hàng hóa, dịch vụ của thương hiệu với đối thủ
Công dụng chủ yếu của nhãn hiệu (trademark) chính là giúp khách hàng phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của bạn với những hàng hóa, dịch vụ của các đối thủ khác.
Khi khách hàng hài lòng với trải nghiệm sử dụng hàng hóa, dịch vụ của bạn thì có khả năng họ sẽ sử dụng lại trong tương lai. Vì vậy, những hàng hóa, dịch vụ ấy cần phải có nhãn hiệu để khách hàng phân biệt, nhận ra và lựa chọn, tránh trường hợp họ nhận nhầm sang nhãn hiệu khác khiến bạn mất đi nguồn khách hàng trung thành.
2.2. Xây dựng hình ảnh, danh tiếng cho thương hiệu
Một sản phẩm có nhãn hiệu (trademark) chắc chắn sẽ uy tín hơn và được khách hàng đánh giá cao so với những hàng hóa không có nhãn hiệu.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều những mặt hàng thật, giả lẫn lộn. Vì vậy, nhãn hiệu chính là yếu tố giúp bạn khẳng định rằng hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp là hàng chính hãng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Nếu doanh nghiệp của bạn có những chiến dịch truyền thông tốt, mức độ nhận biết thương hiệu trên thị trường cao thì trademark chính là “dấu hiệu” để khách hàng nhận ra sản phẩm và dịch vụ của bạn. Từ đó, họ sẽ có những cảm nhận tích cực về sản phẩm, dịch vụ ấy mặc dù chưa từng sử dụng. Đây chính là yếu tố góp phần xây dựng Brand Image (hình ảnh thương hiệu) tích cực trong mắt khách hàng.
2.3. Ngăn chặn các vấn đề bản quyền
Khi đã xác định được nhãn hiệu cần đặt cho sản phẩm, dịch vụ thì bạn cần tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Sau khi đã đăng ký nhãn hiệu (trademark), doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ toàn diện về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Điều này tức là tên và hình ảnh nhãn hiệu của bạn là độc quyền trên thị trường, không cá nhân/tổ chức nào có quyền sử dụng nhãn hiệu của bạn.
Ngược lại, nếu không kịp thời tiến hành đăng ký nhãn hiệu thì bạn sẽ rất khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi nếu không may nhãn hiệu bị người khác sử dụng, làm mất đi uy tín doanh nghiệp.
2.4. Tạo sự gắn kết với khách hàng
Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp một khi đã có hình ảnh tốt trong mắt khách hàng thì sẽ tăng chỉ số lòng trung thành của họ. Điều này giúp khách hàng gắn bó với doanh nghiệp hơn, họ sẽ sẵn lòng sử dụng những dịch vụ, mặt hàng mới nếu chúng có ký hiệu trademark (nhãn hiệu) của bạn. Hơn thế nữa, trademark cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp có được sự tin tưởng, gắn bó đối với những nhà phân phối, kênh bán lẻ trên thị trường.
2.5. Tạo động lực giúp thương hiệu phát triển
Nếu một dòng sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu của doanh nghiệp nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng thì toàn bộ thương hiệu cũng sẽ được phát triển theo. Từ đó, các nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ khác thuộc cùng công ty cũng sẽ có được hình ảnh tốt trong mắt khách hàng.
Không chỉ vậy, việc nhãn hiệu nhận được nhiều phản hồi tốt cũng sẽ giúp nhân viên trong doanh nghiệp tự hào về sản phẩm của mình, là động lực giúp họ nỗ lực, gắn kết và cùng nhau xây dựng thương hiệu vững mạnh.
3. Phân loại nhãn hiệu
Có rất nhiều cách để phân loại nhãn hiệu. Trong bài viết này, GOBRANDING sẽ làm rõ các loại nhãn hiệu được phân chia theo yếu tố cấu thành và theo tính pháp lý.
3.1. Phân loại nhãn hiệu theo yếu tố cấu thành
Căn cứ vào Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, Số 50/2005/QH11 (sửa đổi Số 36/2009/QH12, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010) thì nhãn hiệu được phân loại theo yếu tố cấu thành sẽ bao gồm: nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình (logo), nhãn hiệu kết hợp hình và chữ.
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ đã được bổ sung thêm quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong năm 2022. Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2023. Do đó, GOBRANDING sẽ đề cập đến 4 loại nhãn hiệu gồm nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình, nhãn hiệu kết hợp và nhãn hiệu âm thanh trong phần nội dung này.
3.1.1. Nhãn hiệu chữ là gì?
Là phần nhãn hiệu bao gồm các chữ cái (có thể là cả chữ số). Phần chữ này có thể gồm nhiều từ, cụm từ hoặc chỉ một chữ cái.
Nhãn hiệu chữ cũng không bắt buộc phải có nghĩa. Bạn có thể nghĩ ra nhãn hiệu bằng cách kết hợp giữa nhiều chữ cái, sử dụng tên của bản thân hoặc tự sáng tạo ra bất kỳ từ ngữ nào mà mình thích.
3.1.2. Nhãn hiệu hình là gì?
Bao gồm các ký hiệu, hình vẽ, ảnh chụp hoặc hình khối (hình 3D). Đôi lúc, nhãn hiệu hình còn là những con chữ được cách điệu thành hình ảnh để tăng tính biểu tượng cho thương hiệu.
Nhãn hiệu hình thường phải có tính biểu tượng cao, nhằm thể hiện được giá trị của thương hiệu và dễ ghi nhớ đối với khách hàng.
3.1.3. Nhãn hiệu kết hợp là gì?
Đây chính là nhãn hiệu được tạo ra dựa trên cơ sở kết hợp cả phần hình và chữ. Hiện nay, đa số các nhãn hiệu của doanh nghiệp trên thế giới đều là nhãn hiệu kết hợp, có cả phần hình và chữ.
3.1.4. Nhãn hiệu âm thanh là gì?
Như đã đề cập ở trên, quy định về nhãn hiệu âm thanh vừa được bổ sung vào Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, căn cứ vào Khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 thì nhãn hiệu còn bao gồm cả phần “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”.
Nhãn hiệu âm thanh chính là một tệp âm thanh khác biệt (đoạn nhạc, lời thoại của riêng thương hiệu, âm thanh đặc trưng,…) thể hiện được dưới dạng đồ họa, giúp kích hoạt thính giác của người nghe nhằm đem lại sự nhận biết về thương hiệu.
Vậy, âm thanh được thể hiện dưới dạng đồ họa là như thế nào? Nếu nhãn hiệu âm thanh là một đoạn nhạc thì có thể được thể hiện dưới dạng khuôn nhạc đi kèm mô tả lời hát (nếu có). Nếu nhãn hiệu âm thanh là tiếng động bất kỳ thì có thể được thể hiện bằng dải âm tần và đi kèm mô tả loại âm thanh, thời lượng,…
Để dễ hình dung các loại nhãn hiệu trên, bạn có thể xem thông tin và ví dụ ở hình sau đây.
3.2. Phân loại nhãn hiệu theo tính pháp lý
Nhãn hiệu là yếu tố giúp xác định quyền sở hữu của bạn đối với hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Dựa trên cơ sở quyền sở hữu đó, nhãn hiệu (trademark) được chia thành các loại như nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng. Sau đây, GOBRANDING sẽ làm rõ từng loại nhãn hiệu trên là gì.
3.2.1. Nhãn hiệu thông thường là gì?
Bao gồm 2 loại cơ bản là nhãn hiệu hàng hóa (sản phẩm hữu hình) và nhãn hiệu dịch vụ.
- Nhãn hiệu hàng hóa được dùng để xác định nguồn gốc mặt hàng là do doanh nghiệp/cá nhân nào sản xuất. Nhãn hiệu sẽ được in hoặc dán trực tiếp lên bao bì của sản phẩm khi đưa ra thị trường.
- Nhãn hiệu dịch vụ thường được gắn/in trên các bảng hiệu hoặc bảng giá dịch vụ, giúp người đọc dễ dàng nhận ra thương hiệu mình ưa thích khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ đó.
Hiện nay, nhãn hiệu thông thường chiếm phần lớn trên thị trường. Ví dụ như: S’life Gym, Ananas, Mango,…
3.2.2. Nhãn hiệu tập thể là gì?
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt các hàng hóa, dịch vụ có chủ sở hữu là tập thể gồm nhiều cá nhân thuộc một tổ chức kinh doanh.
Các thành viên trong tập thể sở hữu nhãn hiệu có quyền sử dụng nhãn hiệu để tiếp thị, kinh doanh,… nhưng phải tuân thủ các điều kiện, tiêu chuẩn chung được quy định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Ví dụ: Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” thuộc sở hữu của Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên.
3.2.3. Nhãn hiệu chứng nhận là gì?
Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có quyền cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của mình lên trên hàng hóa, dịch vụ của họ. Khi doanh nghiệp được cấp nhãn hiệu này thì đồng nghĩa với việc họ được chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, độ chính xác, an toàn,…
Chủ sở hữu của nhãn hiệu chứng nhận phải có thẩm quyền chứng nhận các sản phẩm có liên quan.
Ví dụ: Nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Do người tiêu dùng bình chọn” thuộc sở hữu của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh.
3.2.4. Nhãn hiệu liên kết là gì?
Nhãn hiệu liên kết là tập hợp các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau, được dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng dòng hoặc có liên quan đến nhau. Các nhãn hiệu liên kết thường được sử dụng trong những tập đoàn, công ty lớn mạnh, sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm.
Ví dụ: Tập đoàn Vingroup sở hữu các nhãn hiệu liên kết như Vinhomes, Vinpearl, Vincom,…
3.3.5. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
Nhãn hiệu nổi tiếng được hiểu đơn giản là những nhãn hiệu có danh tiếng trên thị trường, được nhiều công chúng biết đến và có uy tín cao.
Thông thường, những nhãn hiệu nổi tiếng sẽ hưởng được sự bảo hộ mạnh hơn bởi theo quy định, nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập thông qua thủ tục công nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không cần thông qua thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu như nhãn hiệu thông thường.
Ví dụ: Pepsi, Coca-Cola, Honda, Toyota,…
4. Phân biệt Trademark (nhãn hiệu) và Brand (thương hiệu) khác nhau như thế nào?
Tại Việt Nam, nhiều người thường hay sử dụng lẫn lộn giữa từ nhãn hiệu và thương hiệu, dẫn đến hiểu sai ý nghĩa của chúng. Sau đây, GOBRANDING sẽ làm rõ sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu.
4.1. So sánh nhãn hiệu và thương hiệu
Như đã định nghĩa ở trên, khái niệm nhãn hiệu được biết là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức/cá nhân khác nhau. Trong khi đó, thương hiệu là tập hợp tất cả các yếu tố hữu hình và vô hình bao gồm tất cả những nhận biết và cảm xúc đối với doanh nghiệp hoặc sản phẩm/dịch vụ như tên gọi, ký hiệu, hình ảnh, biểu tượng, âm thanh, cảm xúc gắn liền như quý phái, sang trọng, mạnh mẽ hay nữ tính,… giúp phân biệt giữa bạn và đối thủ. Vậy, thương hiệu và nhãn hiệu khác nhau như thế nào?
Thương hiệu là kết quả của nhiều sự nỗ lực xây dựng liên tục và lâu dài, từ những định vị thương hiệu ban đầu cho đến các hoạt động truyền thông, mở rộng thị trường, nhượng quyền thương hiệu,… Đối với nhãn hiệu thì đây chỉ đơn thuần là dấu hiệu dùng cho sản phẩm, dịch vụ với mục đích thương mại.
Bên cạnh đó, thuật ngữ thương hiệu (Brand) còn có thể mở rộng cho con người – thương hiệu cá nhân, còn nhãn hiệu (trademark) thì phải gắn liền với hàng hóa, dịch vụ.
Tóm lại, thương hiệu là thuật ngữ bao quát hơn, cần nhiều nỗ lực hơn để xây dựng và duy trì. Nhãn hiệu là một yếu tố nhỏ hơn, góp phần tạo nên thương hiệu. Để dễ phân tích sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu là gì, bạn có thể tham khảo qua bảng sau:
4.2. Ví dụ về thương hiệu và nhãn hiệu
Đa số các doanh nghiệp ngày nay đều sử dụng logo đặc trưng cho thương hiệu để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Bởi điều này sẽ giúp người tiêu cùng tăng khả năng nhận biết và ghi nhớ đến toàn thương hiệu khi họ sử dụng hàng hóa/dịch vụ có gắn nhãn hiệu đó. Vì vậy, các doanh nghiệp thường sử dụng bộ nhận diện thương hiệu của họ (tên, logo thương hiệu) để làm nhãn hiệu.
Về mặt lý thuyết, bạn có thể tham khảo qua các ví dụ về thương hiệu và nhãn hiệu sau đây:
- Thương hiệu Apple có các nhãn hiệu như iPhone, iPad, iPod,…
- Thương hiệu Honda có các nhãn hiệu như Wave Alpha, Air Blade, Vision, SH Mode,…
- Thương hiệu Kinh Đô có các nhãn hiệu như Solite, AFC, Cosy, Oreo, Ritz, Slide,…
Tuy nhiên, các nhãn hiệu nêu trên cũng đạt được sự nhận biết cao và có những yếu tố tạo nên thương hiệu (như cảm nhận của khách hàng về cảm xúc, hình ảnh, tính cách,…). Điều này đã giúp iPhone, iPad hay Honda Vision, AFC,… vừa là nhãn hiệu con của các thương hiệu lớn, cũng vừa là thương hiệu của chính mình.
Thêm một ví dụ về thương hiệu và nhãn hiệu khác để bạn dễ hiểu hơn:
GOBRANDING là một thương hiệu chuyên cung cấp các giải pháp Digital Branding toàn diện cho doanh nghiệp. GOBRANDING đã sử dụng chính logo và tên gọi thương hiệu của mình để đăng ký nhãn hiệu cho dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
Khi nhắc đến GOBRANDING, khách hàng sẽ nghĩ ngay đến: Logo, Digital Branding, được đầu tư từ Nhật Bản, chuyên gia thương hiệu số, All For Your Leading, văn hóa Kaizen, tư duy quốc tế,… ngoài ra còn có cảm xúc như đáng tin, cởi mở, hiệu suất, cùng đồng hành,… Tất cả làm nên thương hiệu GOBRANDING.
Tóm lại, có thể thấy rằng thương hiệu là khái niệm rộng hơn, bao gồm cả nhãn hiệu. Khi nhắc đến tên của một thương hiệu, người ta có thể sẽ nhớ đến kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, phân khúc giá và cả những nhãn hiệu thuộc thương hiệu đó. Ngoài ra, khi một nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ dần có được nhiều sự nhận biết và xây dựng được sự liên kết với khách hàng về mặt cảm xúc thì nhãn hiệu ấy có thể được phát triển để trở thành thương hiệu.
5. Bảo hộ nhãn hiệu là gì? Tại sao doanh nghiệp cần bảo hộ nhãn hiệu?
Bảo hộ nhãn hiệu là một thủ tục hành chính, nhằm mục đích đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ cho nhãn hiệu bằng cách cấp văn bằng bảo hộ. Khi nhãn hiệu đã được bảo hộ bởi pháp luật thì sẽ không có một tổ chức/cá nhân nào được phép sử dụng những dấu hiệu trùng với nhãn hiệu ấy mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu.
Mọi hàng hóa, dịch vụ được đưa ra thị trường với mục đích thương mại đều phải có nhãn hiệu cụ thể và nhãn hiệu ấy phải được bảo hộ bởi pháp luật. Nếu nhãn hiệu không được bảo hộ thì có nhiều khả năng sẽ bị những đối thủ khác sẽ lợi dụng để trục lợi hoặc hạ thấp uy tín.
Ví dụ:
Hãy thử hình dung, doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh rất tốt sản phẩm nhãn hiệu X và giữ chân được nhiều khách hàng trung thành. Tuy nhiên, mặc dù đã kinh doanh khá lâu nhưng bạn vẫn chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong khi đó, đối thủ đã nhìn thấy sự tiềm năng của nhãn hiệu X và nhanh chóng sao chép để đăng ký bảo hộ.
Lúc này, đối thủ đã trở thành chủ sở hữu hợp pháp đối với kiểu dáng nhãn hiệu của bạn. Không những phải thay đổi tên gọi, thiết kế nhãn hiệu vốn là của mình, bạn còn mất đi một lượng khách hàng trung thành và có nguy cơ đối diện với một số rắc rối pháp lý.
Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là vô cùng cần thiết cho doanh nghiệp bởi:
- Được pháp luật bảo hộ khi xảy ra tranh chấp.
- Đảm bảo sản phẩm chính hãng đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt.
- Giữ chân được khách hàng trung thành, tăng độ tin cậy cho người tiêu dùng.
- Giúp bạn yên tâm đầu tư và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Khẳng định quyền sở hữu đối với hàng hóa, dịch vụ.
- Chiếm vị thế trên thị trường.
- Tăng độ tin cậy của nhãn hiệu đối với khách hàng.
6. Ý nghĩa của bảo hộ nhãn hiệu đối với Digital Branding
Không chỉ quan trọng đối với việc kinh doanh hàng hóa trực tiếp của doanh nghiệp, nhãn hiệu còn có ý nghĩa không nhỏ trên môi trường online, cụ thể là Digital Branding – Xây dựng thương hiệu số .
Như bạn đã biết, Digital Branding đã mở ra một thị trường mới cho các doanh nghiệp, từ đó cũng thúc đẩy doanh thu của nhiều nhãn hiệu thông qua thương mại điện tử. Trên môi trường kỹ thuật số, nhãn hiệu (trademark) được thể hiện qua các dấu hiệu nhận biết trên website như tên, logo,… Đặc biệt, tên của nhãn hiệu phải được thể hiện rõ ràng ở domain website để khách hàng dễ dàng tìm kiếm bằng công cụ của Google.
Việc đăng ký quyền bảo hộ nhãn hiệu mang lại những lợi ích cho thương hiệu trên Internet như:
- Không mất nhiều chi phí để quảng bá website, bởi khách hàng có thể tự tìm đến bạn khi họ gõ cụm từ chỉ tên nhãn hiệu.
- Hạn chế bị các đối thủ sao chép lại nhãn hiệu. Bởi trên môi trường Internet, rất nhiều cá nhân lẫn tổ chức lớn, nhỏ có thể dễ dàng nhái lại logo, tên miền, website,… tương tự với bạn.
- Gia tăng lòng tin của khách hàng đối với các tài sản thương hiệu trên Internet của doanh nghiệp như website, mạng xã hội,…
- Tăng độ nhận biết thương hiệu trên môi trường Internet.
Ngoài ra, nhãn hiệu còn là yếu tố giúp doanh nghiệp xác nhận quyền sở hữu các thiết kế như biểu tượng ứng dụng điện thoại di động, favicon website,…
Tóm lại, khi bảo vệ nhãn hiệu thì bạn cần chú ý thực hiện đăng ký bản quyền cho tất cả những tài sản mang tính biểu tượng có liên quan.
7. Cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu trên Internet
Vậy, cụ thể thì bạn cần làm gì để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu trên Internet? Bạn có thể tham khảo một số đề xuất của GOBRANDING dựa trên 4 nền tảng quan trọng như website, mạng xã hội, thị trường thương mại điện tử và quảng cáo hiển thị:
- Bạn cần xác nhận quyền sở hữu trí tuệ với tên miền website.
- Thiết lập các chính sách để quản lý những tài sản kỹ thuật số của bạn.
- Đào tạo đội ngũ nhân viên thật nhạy bén để họ nhanh chóng phát hiện những hành động vi phạm đối với nhãn hiệu của doanh nghiệp.
- Lên kế hoạch cho những tình huống tranh chấp trên môi trường kỹ thuật số mà doanh nghiệp có thể gặp phải và cách đối phó với chúng.
- Thường xuyên theo dõi môi trường ngành để nhanh chóng phát hiện ra các đối thủ có ý đồ xâm hại nhãn hiệu của bạn.
Quan trọng hơn tất cả, những nỗ lực bảo vệ nhãn hiệu của bạn phải được thực hiện thường xuyên. Bởi môi trường Internet luôn biến đổi không ngừng, nên trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện những cá nhân, tổ chức nào đó với thủ đoạn tinh vi xâm hại đến nhãn hiệu của bạn.
8. Các bước đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Đăng ký nhãn hiệu là quy trình cần thiết để đưa hàng hóa, dịch vụ vào kinh doanh trên thị trường. Do đó, bạn cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu nhanh chóng bằng cách tham khảo các bước sau đây:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ bao gồm mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ cần đăng ký nhãn hiệu và các tài liệu liên quan.
- Bước 2: Điền vào mẫu tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu (2 tờ).
>> Lưu ý: Bạn cần phải mô tả rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu bao gồm những từ, ngữ, hình ảnh. Nếu là từ mà bạn tự sáng tạo thì nó phải được ghi rõ cách đọc/phiên âm. Nếu là dấu hiệu hình ảnh, âm thanh thì bạn cũng phải mô tả rõ hình ảnh, âm thanh đó là gì.
- Bước 3: Lựa chọn đơn vị tư vấn về thủ tục pháp lý để quy trình đăng ký sở hữu nhãn hiệu được diễn ra suôn sẻ.
- Bước 4: Tra cứu nhãn hiệu để xem nhãn hiệu có đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ hay không. Bạn cần lưu ý rằng đây chỉ là một bước tham khảo nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí chứ không phải căn cứ chắc chắn để quyết định nhãn hiệu có được cấp văn bằng bảo hộ hay không.
- Bước 5: Nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
- Bước 6: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét, thẩm định nhãn hiệu của bạn có đủ điều kiện được chấp nhận và công bố hay không.
- Bước 7: Ở bước thứ 6, nếu đơn đăng ký được chấp nhận thì bạn cần phải tiến hành công bố nhãn hiệu trong vòng 2 tháng trên website của Cục Sở hữu trí tuệ và Công báo Sở hữu công nghiệp. Ngược lại, nếu nhãn hiệu chưa đạt yêu cầu cấp văn bằng thì bạn cần tiến hành sửa đổi và nộp lại.
- Bước 8: Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
- Bước 9: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sau 2 đến 3 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.
Đối với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thì có 2 hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm tự nộp đơn trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc sử dụng dịch vụ thực hiện thủ tục trọn gói của các văn phòng đại diện.
9. Các dấu hiệu chứng minh nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ
Vậy, làm thế nào để xác định được một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ hay chưa? Bạn có thể tiến hành kiểm tra qua một số dấu hiệu sau:
- Nhãn hiệu được công bố tại website của Cục Sở hữu trí tuệ. Website: https://ipvietnam.gov.vn/nhan-hieu/.
- Trên nhãn hiệu có các ký tự:
- ®: Registered – Nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- ™: Trademark – Nhãn hiệu sản phẩm chưa được bảo hộ (hoặc đang trong quá trình xác nhận) nhưng chủ sở hữu muốn khẳng định chủ quyền với những đối thủ khác.
- SM: Service Mark – Có ý nghĩa tương tự như Trademark nhưng được sử dụng trên các nhãn hiệu dịch vụ.
- ©: Copyrighted – Tuyên bố nhãn hiệu độc quyền.
Quan trọng hơn hết, bạn cần nhớ là nhãn hiệu chỉ được công nhận khi đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, nếu sử dụng sai chức năng của các ký tự nêu trên, chẳng hạn như chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhưng lại gắn ® vào trademark thì bạn chắc chắn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
10. Một số nguyên tắc đặt tên, thiết kế nhãn hiệu
Nếu logo có thể được thiết kế, đặt tên một cách sáng tạo, theo cảm hứng thì nhãn hiệu phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định:
- Ký tự, hình ảnh, âm thanh của nhãn hiệu không bị trùng lặp với thương hiệu khác, phải bảo hộ được.
- Có sẵn tên miền website giống với tên nhãn hiệu (đề phòng trường hợp đối thủ mua tên miền giống với tên nhãn hiệu của bạn, gây ra hiểu lầm cho người tiêu dùng).
- Tên gọi, hình ảnh của nhãn hiệu dễ nhớ, dễ gây ấn tượng với khách hàng.
- Tránh sử dụng những hình ảnh, từ ngữ hay âm thanh nhạy cảm/tiêu cực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và dễ khiến khách hàng có liên tưởng xấu.
- Tên nhãn hiệu nên thể hiện hoặc tạo được sự liên tưởng đến sản phẩm/dịch vụ.
Những nguyên tắc này có thể giúp Cục Sở hữu trí tuệ dễ thẩm định nhãn hiệu hơn và cũng tăng khả năng nhận diện đối với khách hàng.
11. Kết luận
Tóm lại, qua những thông tin thì GOBRANDING mong rằng bạn đã hiểu trademark/nhãn hiệu là gì. Đây chính là yếu tố cần thiết để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của bạn với đối thủ. Bên cạnh đó, nhãn hiệu cũng vô cùng quan trọng trong việc phát triển kênh thương mại điện tử và các tài sản của doanh nghiệp trên nền tảng kỹ thuật số. Vì vậy, bạn cần đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu để có thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ một cách hợp pháp trên thị trường. Để hiểu rõ hơn về nhãn hiệu trên nền tảng kỹ thuật số, hãy liên hệ với GOBRANDING để được tư vấn.
GOBRANDING – Đối tác tốt nhất để xây dựng và phát triển thương hiệu số. Đăng ký tư vấn ngay
Nhận tư vấn ngay!
Tags: bảo hộ nhãn hiệu là gì nhãn hiệu là gì nhãn hiệu trong marketing là gì phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu so sánh nhãn hiệu và thương hiệu sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu trademark thương hiệu và nhãn hiệu thương hiệu và nhãn hiệu khác nhau như thế nào trademark là gì ví dụ về thương hiệu và nhãn hiệu