Product life cycle là gì? Cách kéo dài vòng đời sản phẩm
Theo dõi GOBRANDING trênLý thuyết về vòng đời sản phẩm (Product life cycle) được áp dụng rộng rãi bởi nó giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn chu kỳ sống của một sản phẩm, từ đó đề ra những chiến lược đúng đắn. Trong bài viết này, GOBRANDING sẽ chia sẻ một cách chi tiết giúp bạn hiểu rõ hơn về Vòng đời sản phẩm (Product life cycle) là gì? Các giai đoạn và lợi ích của việc phân tích vòng đời của sản phẩm đối với doanh nghiệp? Làm thế nào để có thể xác định được sản phẩm của bạn đang ở giai đoạn nào trong vòng đời và những cách để kéo dài cũng như phát huy hiệu quả tối đa trong từng giai đoạn. Xem ngay nội dung dưới đây.
Nội dung chính
- 1. Thuyết Product life cycle – vòng đời sản phẩm là gì?
- 2. Chiến lược Marketing theo vòng đời sản phẩm (Product life cycle)
- 3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu vòng đời sản phẩm (Product life cycle)
- 4. Những hạn chế khi áp dụng chiến lược vòng đời sản phẩm
- 5. Cách xác định sản phẩm của doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào trong vòng đời sản phẩm
- 6. Phân tích ví dụ về vòng đời sản phẩm của Samsung
- 7. Kết luận
1. Thuyết Product life cycle – vòng đời sản phẩm là gì?
Product life cycle – vòng đời sản phẩm là một chu kỳ tồn tại của một sản phẩm trên thị trường từ khi mới bắt đầu ra mắt cho đến giai đoạn thoái lui khỏi thị trường. Vòng đời của sản phẩm có thể kéo dài hay rút ngắn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố môi trường tác động, đối thủ cạnh tranh và sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Một sản phẩm khi mới ra đời dù nó có mang nhiều tính năng vượt trội đến đâu thì cũng sẽ dần suy thoái bởi nhu cầu thị trường không ngừng thay đổi và các sản phẩm mới ra đời ngày càng nhiều. Vì thế, doanh nghiệp có thể đạt được thành công khi nắm được toàn bộ diễn biến trong vòng đời sản phẩm của mình, từ đó có những điều chỉnh chiến lược Marketing thích hợp.
2. Chiến lược Marketing theo vòng đời sản phẩm (Product life cycle)
Sau khi hiểu được vòng đời sản phẩm (Product life cycle) là gì thì ở phần này sẽ đi vào tìm hiểu chiến lược Marketing theo vòng đời của sản phẩm. Theo lý thuyết Product life cycle thì vòng đời sản phẩm trong Marketing về cơ bản sẽ được diễn ra gồm có 4 giai đoạn: Giai đoạn giới thiệu sản phẩm ra thị trường, giai đoạn sản phẩm phát triển, giai đoạn bão hòa và cuối cùng là giai đoạn sản phẩm dần suy thoái. Hãy cùng GOBRANDING tìm hiểu chi tiết từng giai đoạn của vòng đời sản phẩm (Product life cycle stages) và cách thức để kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm theo chiến lược Marketing 4P.
2.1. Giai đoạn giới thiệu – Introduction Stage
Giai đoạn giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường là bước khởi đầu cho một chu kỳ sống vì thế cần phải có sự chăm chút và chuẩn bị kỹ lưỡng. Quá trình này có thể kéo dài bao lâu tùy thuộc vào độ phức tạp, độ mới của sản phẩm và sự phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những giai đoạn khó khăn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt khi bước chân vào một thị trường mới với những thách thức:
- Chi phí bỏ ra nhiều nhưng doanh thu thấp hoặc thậm chí chịu lỗ vì ở giai đoạn này bạn cần phải tập trung vào Marketing để xây dựng nhận thức của khách hàng về sản phẩm và thương hiệu, tìm kiếm các kênh phân phối hiệu quả.
- Sản phẩm mới, thị trường mới thì khả năng mua sắm của người tiêu dùng còn hạn chế vì họ chưa thể từ bỏ thói quen tiêu dùng trước đây.
- Những vấn đề khác có thể gặp phải như về kỹ thuật, năng lực sản xuất, cập nhật công nghệ hiện đại.
Từ những khó khăn trên thì có thể đề ra những hướng giải quyết cho hoạt động Marketing trong giai đoạn này giúp kéo dài vòng đời sản phẩm đó là:
- Product (Sản phẩm): Xác định đúng khách hàng có tiềm năng mua hàng nhất để có những hoạt động đánh vào insight, thúc đẩy quyết định mua hàng.
- Price (Giá): Sử dụng chiến lược định giá phù hợp theo mục tiêu mà doanh nghiệp đặt ra: Nếu là mục tiêu chiếm lĩnh thị phần trước tiên thì nên định giá thâm nhập, nếu là mục tiêu lợi nhuận và là mặt hàng có sức mua cao thì nên định giá hớt váng sữa.
- Promotion (Truyền thông): Tăng cường đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng cáo và xúc tiến bán đa phương tiện (quảng cáo truyền hình, tại điểm bán, quảng cáo ngoài trời, truyền thông tiếp thị trên mạng xã hội) để tăng nhận diện thương hiệu.
- Place (Phân phối): Lựa chọn kênh phân phối phù hợp với quy mô doanh nghiệp.
>> Tìm hiểu thêm: Cách tăng mức độ nhận biết thương hiệu
2.2. Giai đoạn phát triển – Growth Stage
Một sản phẩm thành công khi bước vào giai đoạn này, đường cong doanh số của nó tăng dần. Sự chuyển mình mới, được tiếp nhận rộng rãi hơn đó đến từ:
- Những hoạt động truyền thông, quảng cáo và xúc tiến ở giai đoạn 1 đã giúp cho khách hàng dần có nhận thức về thương hiệu và sản phẩm.
- Hành vi mua của người tiêu dùng cũng dần thay đổi, họ quan tâm hơn đến sản phẩm và mua để sử dụng. Nhờ vậy mà doanh số ở giai đoạn này cũng tăng lên.
Tuy nhiên thì đây cũng là thời điểm mà miếng bánh thị trường ngày càng phân thành nhiều mảnh hơn bởi sự gia nhập của nhiều đối thủ mới. Thay vì tìm cách khiến người tiêu dùng dùng thử sản phẩm, ở giai đoạn này doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề là làm cho họ thích nhãn hiệu của mình hơn. Do vậy để có thể khai thác và kéo dài giai đoạn này trong vòng đời của sản phẩm thì doanh nghiệp có thể áp dụng những chiến lược Marketing sau:
- Product (Sản phẩm): Cải thiện chất lượng sản phẩm, khai thác chiều sâu của sản phẩm.
- Price (Giá): Cân nhắc, xem xét lại mức giá để có những điều chỉnh hợp lý theo thị trường và đối thủ cạnh tranh. Nếu như ở giai đoạn đầu bạn sử dụng chiến lược thâm nhập thì đến giai đoạn này bạn có thể xem xét tăng giá thành sản phẩm để mang lại lợi nhuận tốt hơn, ngược lại để có thể duy trì và cạnh tranh được với các đối thủ bạn có thể hạ giá thành sản phẩm cho phù hợp.
- Promotion (Truyền thông): Xúc tiến truyền thông quảng cáo chuyển từ mục tiêu nhận thức sang mục tiêu thông tin, nhắc nhớ, tăng brand love thương hiệu.
- Place (Phân phối): Mở rộng kênh phân phối, có những chính sách để tăng cường quan hệ hợp tác với bên phân phối (chiết khấu, hoa hồng, quà tặng).
2.3. Giai đoạn bão hòa – Maturity Stage
Sản phẩm của bạn bước vào giai đoạn bão hòa của vòng đời sản phẩm (Maturity life cycle) là khi mà nó đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường và có một lượng khách hàng trung thành ổn định. Ở giai đoạn này thì mức tiêu thụ bắt đầu chững lại không có lượng người mới mua sản phẩm, tuy nhiên doanh thu cũng sẽ đạt được ở mức đỉnh điểm nhờ vào những chiến lược đúng đắn trước sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ cạnh tranh.
Ở giai đoạn này, bạn có thể xem xét các phương án để sản phẩm có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường như sau:
- Product (Sản phẩm): Cải tiến sản phẩm về mặt tính năng, đặc tính, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh; tìm thị trường mới cho sản phẩm; Tăng cường chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm nhằm tạo ra các mẫu mã, bao bì cải tiến mới nếu nhìn thấy sản phẩm có khả năng suy thoái trong tương lai gần.
- Price (Giá): Hạ giá thành sản phẩm để giữ vững thị phần và kích thích nhu cầu mua của người tiêu dùng.
- Promotion (Truyền thông): Tăng cường các chương trình quảng bá, giữ chân khách hàng, tổ chức các chương trình khuyến mãi thu hút.
- Place (Phân phối): Duy trì mối quan hệ với các nhà phân phối hiện tại, đi trước đối thủ về các điểm bán mới.
2.4. Giai đoạn suy thoái – Decline Stage
Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp sẽ không muốn đối mặt trong kinh doanh, tuy nhiên không thể nào tránh khỏi được để nhường chỗ cho những sản phẩm mới ra đời. Trong giai đoạn này sẽ chứng kiến sự giảm sút trong mức tiêu thụ các sản phẩm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự xuất hiện sản phẩm mới thay thế, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh gay gắt.
Khi mức tiêu thụ giảm sút dẫn đến lợi nhuận giảm sút, một số doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường, số còn lại có thể thu hẹp chủng loại sản phẩm chào bán, từ bỏ phần thị trường nhỏ, những kênh thương mại ít hiệu quả nhất, cắt giảm chi phí chiêu thị và hạ giá nhiều hơn.
Tuy nhiên việc giữ lại sản phẩm đã suy thoái có thể gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Để hạn chế ảnh hưởng từ điều này thì có một số phương án giải quyết như sau:
- Product (Sản phẩm): Quản lý vòng đời sản phẩm (Product life cycle) và theo dõi sát sao để phát hiện những sản phẩm bước vào giai đoạn suy thoái; Nhanh chóng đưa ra quyết định nên giữ lại hay đào thải ngay sản phẩm đó để thay thế bằng những cải tiến mới hơn. Nếu giữ lại thì bạn cần có những chiến lược sáng suốt hơn để cải tiến sản phẩm.
- Price (Giá): Giá sản phẩm lúc này cũng giảm mạnh để thu hồi vốn.
- Promotion (Truyền thông): Hoạt động PR lúc này đóng vai trò quan trọng để xây dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp trong lòng công chúng, tạo tiền đề cho sự trở lại kế tiếp.
- Place (Phân phối): Duy trì những kênh phân phối hoạt động hiệu quả để bán sản phẩm.
3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu vòng đời sản phẩm (Product life cycle)
Việc nghiên cứu và phân tích sơ đồ vòng đời sản phẩm giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý và nắm được sản phẩm của mình đang đứng ở giai đoạn nào để đề ra những chiến lược Marketing đúng đắn. Dưới đây, GOBRANDING chia sẻ đến bạn 3 lợi ích quan trọng của việc nghiên cứu vòng đời sản phẩm (Product life cycle) để lý giải vì sao doanh nghiệp nên áp dụng nó vào trong hoạt động kinh doanh.
3.1. Tăng tính cạnh tranh trên thị trường
Việc bước chân vào một thị trường mới với sản phẩm mới mang đến cho bạn cơ hội của một người tiên phong đi đầu sẽ dễ dàng được đón nhận hơn bởi thị hiếu thích cái mới lạ của người dùng. Còn nếu bạn gia nhập một thị trường đã có những sản phẩm tương tự trên thị trường thì buộc sản phẩm của bạn phải có sự khác biệt.
3.2. Dễ dàng điều chỉnh chiến lược giá
Việc xác định được sản phẩm của bạn đang ở đâu trong vòng đời sẽ giúp bạn có thể linh hoạt điều chỉnh chiến lược giá phù hợp hơn để có mức giá cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nếu ở giai đoạn mới xâm nhập bạn có thể định giá theo phương pháp thâm nhập hoặc hớt váng sữa để thăm dò thị trường. Sau khi bước vào các giai đoạn tiếp theo thì tùy thuộc vào khách hàng mục tiêu theo đuổi mà bạn sẽ quyết định nên tăng, giảm hay giữ mức giá cho phù hợp.
3.3. Có những chiến lược truyền thông Marketing hiệu quả cho từng giai đoạn
Như đã đề cập ở trên, mỗi giai đoạn trong vòng đời của 1 sản phẩm sẽ có những thách thức khác nhau đặt ra buộc các nhà quản trị Marketing phải giải quyết. Vì thế nếu không biết được tình trạng sản phẩm của mình hiện tại như thế nào, đang tăng trưởng hay dần bão hòa thì không thể đề ra được những chiến lược đúng đắn giúp mang lại hiệu quả về doanh số. Ngược lại khi ứng dụng tốt việc quản lý vòng đời sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng cân nhắc và đề ra những giải pháp để duy trì và phát triển sản phẩm. Chẳng hạn như sản phẩm đang ở giai đoạn bão hòa thì cần có những chiến lược kích thích tiêu thị, khuyến mãi; sản phẩm đang ở giai đoạn suy thoái thì cần quyết định đào thải hay giữ lại, duy trì hình ảnh đẹp trong lòng công chúng.
4. Những hạn chế khi áp dụng chiến lược vòng đời sản phẩm
Bên cạnh những lợi ích của việc phân tích và theo dõi vòng đời của một sản phẩm thì vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc áp dụng chiến lược này. Một sản phẩm có thể sẽ không trải qua hết một đường cong hoàn hảo theo 4 giai đoạn thuộc vòng đời sản phẩm (Product life cycle) chia sẻ ở trên mà có thể sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái sớm hơn. Vì thế nếu doanh nghiệp chỉ vẽ ra một con đường trơn tru từ lúc ra mắt đến khi suy thoái theo thứ tự thì sẽ dễ rơi vào khủng hoảng, không kịp trở tay nếu sản phẩm nhanh chóng rơi vào giai đoạn suy thoái.
Thêm vào đó, đối với từng sản phẩm và tính chất khác nhau của ngành hàng mà độ dài và tính phức tạp trong mỗi giai đoạn thuộc chu kỳ sống sẽ khác nhau. Chẳng hạn như có những dòng đồ uống phổ biến có sản phẩm chính đã ở giai đoạn trưởng thành trong nhiều thập kỷ, trong khi các sản phẩm phụ hoặc biến thể của những đồ uống này từ cùng một công ty đã thất bại.
Khi sản phẩm bước vào giai đoạn bão hòa, nhiều doanh nghiệp sẽ tiến hành nghiên cứu sản phẩm mới thay thế ngay trong tương lai khi sản phẩm cũ bão hòa. Tuy nhiên thì kế hoạch này có thể bị lỗi thời trong tương lai khi công nghệ và nhu cầu của con người ngày càng đổi. Hơn hết điều này còn có thể gây ra sự lãng phí sản phẩm và nguồn lực vì sản phẩm có thể vẫn sẽ còn mang lại giá trị nhưng doanh nghiệp đã chuẩn bị trước kế hoạch thay thế bằng sản phẩm mới để đào thải nó ra khỏi thị trường.
5. Cách xác định sản phẩm của doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào trong vòng đời sản phẩm
Thị trường luôn có sự biến động không ngừng thêm vào đó, mỗi ngành hàng và lĩnh vực khác nhau thì vòng đời sản phẩm cũng kéo dài ngắn khác nhau. Dưới đây, GOBRANDING sẽ chia sẻ cho bạn cách để nhận biết sản phẩm của mình đang bước vào giai đoạn nào trong vòng đời sản phẩm (Product life cycle).
- Xác định yếu tố nội tại
Doanh nghiệp cần thu thập và tổng hợp những dữ liệu định lượng về sản phẩm theo từng kỳ, bao gồm: chi phí đầu tư, mức độ tăng trưởng, sản lượng tiêu thụ, doanh số bán hàng, thị phần, ROI,… Từ những dữ liệu này, bạn có thể đem ra so sánh để đánh giá, nắm tình hình và đưa ra kết luận về giai đoạn hiện tại của sản phẩm.
- Xác định yếu tố bên ngoài
Phân tích áp lực cạnh tranh là yếu tố bên ngoài quan trọng giúp doanh nghiệp nhận biết được giai đoạn sản phẩm của mình, gồm: đối thủ cạnh tranh, yếu tố thị trường, khách hàng.
Để phân tích đối thủ cạnh tranh, bạn cần xác định số lượng đối thủ cạnh tranh trực tiếp với bạn trên thị trường, họ có đang phát triển các sản phẩm tương tự như bạn không? Ngoài ra bạn phải tính toán sự thay đổi về số lượng khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp. Yếu tố thị trường cũng đóng góp một phần không nhỏ, bạn cần xác định liệu thị trường bạn đang tiếp cận có bão hòa hay không?
6. Phân tích ví dụ về vòng đời sản phẩm của Samsung
Tại mục này, GOBRANDING sẽ minh họa về sơ đồ vòng đời sản phẩm để bạn hiểu rõ hơn những lý thuyết đã chia sẻ ở trên qua ví dụ về vòng đời của 1 sản phẩm cụ thể đó là điện thoại Samsung Galaxy Note.
Samsung là một thương hiệu điện tử không còn xa lạ với chúng ta, gây ấn tượng bởi những chiến lược ra mắt sản phẩm sáng tạo, thu hút. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1996, trải qua gần 30 năm Samsung đã có cho mình một chỗ đứng nhất định trong lòng người dùng Việt Nam, đặc biệt là những “Fan” của hãng.
- Giai đoạn giới thiệu sản phẩm Samsung Galaxy Note
Samsung Galaxy Note là dòng sản phẩm tích hợp giữa điện thoại và máy tính bảng đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Với vai trò là một người tiên phong, dòng sản phẩm Galaxy Note của Samsung vào thời điểm đó nhận về nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Thời điểm ra mắt, dòng sản phẩm Galaxy Note được định giá theo chiến lược “hớt váng sữa” để để khai thác nhu yếu của một nhóm người mua có nhu cầu mua sắm cao. Samsung là một ông lớn cực mạnh tay trong việc chi tiền cho các chiến dịch truyền thông quảng cáo và dòng sản phẩm mới ra mắt này cũng không ngoại lệ, nhờ vậy mà sản phẩm nhanh chóng được biết đến, tăng độ nhận diện.
- Giai đoạn phát triển của Samsung Galaxy Note
Những ý kiến trái chiều khác nhau đối với dòng sản phẩm Galaxy Note lại càng tạo cơ hội để sản phẩm mới của Samsung được thảo luận và biết đến nhiều hơn giúp mang về doanh thu khổng lồ cho hãng sau khoảng thời gian ra mắt. Thêm vào đó, với những tính năng vượt trội, thiết kế khác biệt cùng cấu hình mạnh, dòng sản phẩm này cũng dần được công chúng đón nhận. Lúc này, giá sản phẩm cũng dần được điều chỉnh hạ thấp xuống để khai thác những nhóm khách hàng có nhu cầu mua sắm thấp hơn, giúp gia tăng doanh số. Đặc biệt, tiếp nối sự thành công, Samsung liên tục cho ra mắt các dòng Galaxy note 8, note 10 làm dậy sóng cộng đồng người yêu thích Samsung.
- Giai đoạn bão hòa
Giai đoạn bão hòa của Samsung Galaxy Note bắt đầu khi trên thị trường ngày càng xuất hiện các đối thủ cạnh tranh cho ra mắt những sản phẩm có cấu hình và tính năng tương tự khiến cho doanh số bán hàng duy trì ổn định chứ không có sự tăng trưởng mạnh mẽ như trước.
- Giai đoạn suy thoái
Samsung Galaxy Note bước vào giai đoạn suy thoái được thể hiện rõ ràng nhất qua thông báo khai tử dòng sản phẩm này vào năm 2022. Tuy nhiên sẽ không hoàn toàn khai tử mà hãng vẫn sẽ giữ nguyên tính năng chính được kế thừa bởi Samsung S22 Ultra. Thêm vào đó, Samsung cũng bắt đầu chuyển hướng sang phát triển những chiếc smartphone màn hình gập, gần đây nhất là sự ra đời của Galaxy Z Fold 4 và Z Flip 4.
7. Kết luận
Mỗi sản phẩm, dịch vụ đều có những tính chất, đặc điểm khác nhau vì thế các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm (Product life cycle) cũng như cách xác định cũng sẽ linh hoạt mà thay đổi vì vậy những chia sẻ trên đây của GOBRANDING cũng mang tính chất tương đối. Hy vọng, qua bài viết này bạn đã có thể nắm được về các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm, tầm quan trọng cũng như cách xác định sản phẩm của bạn đang ở đâu trong chu kỳ sống. Từ đó có thể đề ra những chiến lược giúp kéo dài vòng đời sản phẩm giúp cải thiện doanh số và lợi nhuận hiệu quả.
GOBRANDING là đối tác tốt nhất để xây dựng và phát triển thương hiệu số. Đăng ký tư vấn ngay!
Nhận tư vấn ngay!